Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Thủ đô; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ y, Quốc hội khóa XV.
Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ y, Quốc hội khóa XV.

"Không có chuyện cấm, dừng quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần"

Thông tin về các điểm mới, quan trọng, cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết luật bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, trong đó, giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành 80 tuổi). Riêng với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Cùng với đó, bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản.

Một điểm mới khác, theo bà Hà, luật đã bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin tại cuộc họp báo
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin tại cuộc họp báo

Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang cho hay nội dung liên quan hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được đại biểu Quốc hội biểu quyết riêng khi thông qua luật. Nội dung này cũng nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội rất lớn và chủ trương của Ban soạn thảo, Chính phủ khi trình Quốc hội là gia tăng bảo vệ, tăng quyền lợi, lợi ích nhằm đảm bảo cho người lao động thụ hưởng chế độ hưu trí thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần và tôn trọng quyền của người lao động.

Theo ông Giang, luật quy định những người tham gia bảo hiểm xã hội trước 1/7/2025 (khoảng 18 triệu người) hoàn toàn có quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Với những người tham gia bảo hiểm xã hội từ 1/7/2025, vẫn có quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần nhưng trong 4 trường hợp. Gồm đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm, ra nước ngoài để định cư, đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS, có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng.

Như vậy, không có chuyện cấm, dừng quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người tham gia sau 1/7/2025, ông Phạm Trường Giang nhấn mạnh.

Luật Thủ đô có nhiều chính sách đột phá

Về Luật Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, luật gồm 7 Chương, 54 Điều nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật và tổ chức hội nghị triển khai thi hành luật; xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, đảm bảo có hiệu lực đồng thời với luật.

Đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới; ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương được Luật Thủ đô giao; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết Luật ở các bộ, ngành và địa phương.

Thông tin về chính sách đột phá, Bộ Tư pháp cho biết, Luật Thủ đô là luật đặc thù, được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô năm 2012, bám sát 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung đặc thù, vượt trội so với quy định pháp luật hiện hành để bảo đảm xây dựng, phát triển Thủ đô đúng với mục tiêu được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính sách mang tính vượt trội, đặc thù, thể hiện ở sự đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô liên quan đến tổ chức bộ máy; tài chính – ngân sách; thẩm quyền, cơ chế đầu tư; thu hút trọng dụng nhân tài… các cơ chế, chính sách này sẽ tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển.