![Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thanh Bình và Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Chu Thanh Hải trao Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể cho Hợp tác xã Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên (Ảnh: bacninh.gov.vn) Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Thanh Bình và Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh Chu Thanh Hải trao Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể cho Hợp tác xã Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên (Ảnh: bacninh.gov.vn)](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/04/19/do-go-my-nghe-khuc-xuyen-1713514840.jpg)
Tại buổi Lễ, đại diện đơn vị thực hiện nhiệm vụ KH&CN báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên”. Theo đó, nghề sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ tại phường Khúc Xuyên có từ lâu đời, với các sản phẩm như: Sập gụ, ghế ngựa, ghế Ba Lan, tủ…với hình cong, thẳng khác nhau, tạo nên một dấu ấn rất riêng đã được nhân dân nhiều nơi biết đến, coi đồ gỗ nơi đây như một trong những biểu tượng của nền văn hóa Kinh Bắc.
Với mong muốn gìn giữ, phát triển nghề làm đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống của phường Khúc Xuyên, Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng, đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên”. Sau thời gian thẩm định, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã ban hành Quyết định số 99836/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên” cho Hợp tác xã Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên, phường Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh.
Tại buổi Lễ, lãnh đạo Sở KH&CN, UBND thành phố Bắc Ninh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên” cho Hợp tác xã Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên; 20 hộ sản xuất tiêu biểu được trao Chứng nhận quyền sử dụng Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên”.
Việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Đồ gỗ mỹ nghệ Khúc Xuyên” là cơ sở quan trọng để khẳng định quyền đối với sản phẩm, là căn cứ để địa phương xây dựng quy hoạch phát triển bền vững sản phẩm được bảo hộ. Đồng thời, để người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý… góp phần tăng giá trị của sản phẩm, đồng thời, bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững.
PV