Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

hiện nay, đang là thời kỳ cao điểm về bão, lũ. Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, từ nay đến cuối năm có khoảng 7 - 9 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 3 - 4 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong tháng 9, tháng 10.

Thực hiện Công điện số 1107/CĐ-TTg ngày 31/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ; để chủ động ứng phó thiên tai, nhất là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi, bão và mưa, lũ lớn kéo dài trên diện rộng như đã xảy ra tại khu vực miền Trung năm 2020, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Chủ động kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Chú trọng công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy lợi do địa phương quản lý, phối hợp với chủ các hồ chứa thủy điện và các đơn vị liên quan, đảm bảo an toàn công trình và hạ du, đặc biệt là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác chủ động phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sát với diễn biến thực tế, đảm bảo độ tin cậy để các cấp, các ngành và nhân dân biết, chủ động ứng phó có hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, đập, hồ chứa nước, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy lợi, thủy điện, phù hợp với diễn biến mưa, lũ. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát lực lượng, vật tư, phương tiện, triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường không, đường biển trong trường hợp xảy ra mưa bão lớn và lũ, lụt kéo dài.

 Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể những vị trí có nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu bố trí kinh phí để thực hiện di dời khẩn cấp các hộ dân đảm bảo đến nơi an toàn trong mùa mưa bão; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chậm nhất trong ngày 6/9/2021.

Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng chống dịch Covid-19, sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cho công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương.

 Hoài Thu