Công điện khẩn ứng phó với cơn bão Sanba - Hình 1

 Hướng đi của bão Sanba

Để chủ động ứng phó với cơn bão ngày 12/2, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 02 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Kiên Giang; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin Duyên hải. 

Nội dung Công điện nêu rõ:

Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều 12/2, áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông miền Nam Philippines mạnh lên thành bão và có tên quốc tế là Sanba. 

Hồi 16 giờ ngày 12/2, vị trí tâm bão ở vào khoảng 7,0 độ Vĩ Bắc; 130,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Nam Philippines khoảng 470km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, gió giật cấp 10.

Dự báo trong những ngày tới bão di chuyển theo hướng Tây và có khả năng đi vào Biển Đông. 

Đây là cơn bão diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán, thời điểm các cơ quan, tổ chức, người dân vui đón Năm mới và rất hiếm khi xảy ra các hình thái thời tiết tương tự, nên dễ có tâm lý chủ quan, lơ là. 

Để công tác ứng với bão đạt kết quả, giảm thiểu thiệt hại, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện việc thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp. 

Nắm bắt và tổng hợp báo cáo tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển và khu vực các đảo. Thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng các phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu và liên lạc với các quốc gia, vùng lãnh thổ liên quan sẵn sàng hỗ trợ ngư dân tránh trú bão khi có nhu cầu. 

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng viễn thông sẵn sàng phương án nhắn tin tới các thuê bao di động trong khu vực bị ảnh hưởng của bão để chủ động phòng tránh. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin duyên hải và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, thông tin để người dân biết, chủ động phòng tránh. 

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai- Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Tình hình về hướng đi, tốc độ di chuyển của cơn bão Sanba:

Vào lúc 16 giờ ngày 12/2, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,4 độ Vĩ Bắc; 129,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Nam Philippines khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão Sanba tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 30km.

Đến 16 giờ ngày 13/02, tâm bão ở vào khoảng 9,3 độ Vĩ Bắc; 124,1 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão Sanba tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng Tây, tốc độ 25-30km/h.

Cảnh báo, trong 24-48h tiếp theo, bão Sanba tiếp tục mạnh thêm và hướng thẳng vào biển Đông. Trong 72-96h tiếp theo, bão Sanba sẽ đi vào khu vực biển Đông và có khả năng trở thành cơn bão số 2 trong năm nay.

Đây là một cơn bão mạnh, diễn biến phức tạp và khó lường, tốc độ di chuyển nhanh. Đến thời điểm hiện tại thì khu vực Nam Trung Bộ được xác định là có khả năng sẽ phải chịu sự ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ ATNĐ/Bão.

Các tỉnh phía Nam Trung Bộ cần đặc biệt chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo.

 Anh Anh