THCL GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài: “Liệu DN Việt Nam có thể sản xuất sản phẩm CN hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế nước ngoài như Samsung không? Câu trả lời là: Nhất định làm được!”.

Ảnh minh họa

Nằm trong tầm tay

Đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cho biết, theo thống kê của Chính phủ thì tỷ lệ nội địa hóa của Samsung hiện nay là 36%. Hiện Samsung có 254 DN cung ứng cấp I, trong đó có 119 DN tại Việt Nam. Số DN thuần Việt tham gia chuỗi cung ứng của Samsung là 41 DN (bao gồm cả cấp I và cấp II). Samsung vẫn đang nỗ lực thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao năng lực cho các DN Việt Nam tiềm năng để tham gia chuỗi cung ứng của Samsung.

Theo TS. Phạm Hùng Tiến, chuyên gia nghiên cứu về DN, đầu tư nước ngoài của Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam: Số DN trong nước có khả năng làm vệ tinh cho những tập đoàn FDI xuyên quốc gia tuy chưa nhiều, nhưng chắc chắn lớn hơn con số công khai trên phương tiện truyền thông. Chúng ta cần nhìn nhận quan hệ kinh doanh từ cả 2 phía một cách công bằng. Ví dụ, một DN nhựa lớn ở phía Bắc đã khẳng định là họ có khả năng cung cấp chi tiết nhựa cho Samsung và cũng đã nhận được lời mời hợp tác, nhưng họ đã từ chối với lý do không phải thiếu năng lực mà bởi, họ không muốn mạo hiểm đầu tư lớn và phải phụ thuộc vào điều kiện của Samsung.

GS. Nguyễn Mại cho hay, theo Sansung điện tử Việt Nam (SEV), năm 2015, đã có 215 DN Việt Nam đến tìm kiếm cơ hội hợp tác với SEV để sản xuất linh kiện CN hỗ trợ, trong đó có 41 DN chuẩn bị ký hợp đồng với SEV với hy vọng năm 2016 sẽ có hơn 100 DN tham gia chuỗi giá trị của SEV.

“Nhu cầu phát triển CN hỗ trợ rất lớn và đang gia tăng với dự báo làn sóng FDI mới có chất lượng cao hơn từ các nước OECD, nhất là Mỹ, khi các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã và sẽ ký kết, trong đó có TPP có hiệu lực thi hành. Các tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, LG, Intel, Canon, Microsoft - Nokia rất cần DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu trong hệ thống vender cấp I, cấp II và cấp III với điều kiện đáp ứng các tiêu chí của từng tập đoàn”, GS. Nguyễn Mại khẳng định.

Còn đó nỗi lo

Ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho rằng, các DN nội rất khó khăn trong hội nhập phát triển vào chuỗi sản xuất CN hỗ trợ toàn cầu... Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hàng chục tỷ USD linh phụ kiện các ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo… (riêng các tập đoàn lớn như Toyota, Canon.. đang phải nhập khẩu từ nước thứ ba các linh kiện này).

Ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam nêu: Hầu hết các DN trong ngành điện tử là các DN FDI trong chuỗi cung ứng sản xuất sẵn có của các nhà sản xuất thiết bị cuối cùng. Rất ít DN cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho các DN FDI tại Việt Nam. DN Việt vẫn hạn chế khi tham gia vào ngành CN hỗ trợ và do vậy, giá trị gia tăng của CN điện tử Việt Nam rất thấp khi so sánh với các nước trên thế giới…

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định: Hiệp định TPP có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài trong khối các thành viên tham gia TPP đổ vốn vào Việt Nam, do liên quan đến vấn đề xuất xứ hàng hóa trong khối. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt nguồn vốn FDI khi không kết nối chặt chẽ với DN nội địa để từ đó không chuyển giao được công nghệ như kỳ vọng và cam kết. Vì thế, chúng ta phải có chiến lược tận dụng tốt hơn nguồn vốn FDI và cải thiện lực lượng DN nội địa để tránh bị chèn lấn. Song, đây là điều rất khó. Tôi cho rằng xu hướng DN FDI lấn át khu vực nội còn kéo dài, Việt Nam chỉ có thể làm thuê cho DN nước ngoài. Chỉ khác là trước đây, làm thuê cho các DN như Trung Quốc, Hàn Quốc… thì nay làm thuê cho Mỹ, Australia, Nhật…

Chính phủ và Bộ Công thương cần xác định danh mục các nhóm sản phẩm CN hỗ trợ mà trong nước có lợi thế cạnh tranh để phát triển, từ đó đề ra các chính sách hỗ trợ bằng được các DN sản xuất sản phẩm CN hỗ trợ thuộc nhóm này, có thể cung cấp cho các DN trong nước, từng bước vươn ra tầm khu vực và thế giới.

Bùi Quyền (Thương hiệu & Công luận)