Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ giao UBND 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Thanh Miện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Gần 10 năm qua, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã đầu tư hơn 2.822 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện là 428 tỷ đồng, ngân sách cấp xã 384 tỷ đồng, còn lại do nhân dân, doanh nghiệp đóng góp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 48,2 triệu đồng/năm. Kết quả này vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra là đến năm 2020 có từ 50% số xã trở lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, để triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 9 nghị quyết (trong đó có 1 nghị quyết chuyên đề); UBND huyện ban hành 5 kế hoạch chuyên đề về xây dựng nông thôn mới và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện trên từng tiêu chí, lĩnh vực cụ thể. Nhiều tiêu chí khó trong xây dựng huyện nông thôn mới như: Giao thông, môi trường, y tế - văn hóa – giáo dục... đã được huyện thực hiện với chất lượng tốt.
Mặc dù là huyện còn khó khăn nhưng kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của Phù Cừ rất đáng ghi nhận.Từ năm 2011 đến hết tháng 12/2019, huyện huy động được tổng nguồn lực trên 3 nghìn tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư (làm đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng; nhà văn hóa, sân thể thao thôn,...) đạt trên 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,5%; nguồn vốn huy động từ con em xa quê cũng đạt 5,2%.
Với nguồn kinh phí huy động được, huyện sử dụng hiệu quả để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; tạo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp; giữ vững an ninh trật tự, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, diện mạo nông thôn khởi sắc.
Thu nhập bình quân đầu người của huyện năm sau luôn cao hơn năm trước, năm 2019 đạt 52 triệu đồng (tăng 4,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2018). Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, đã và đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết, khí hậu; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả (vải lai chín sớm, vải trứng, cây có múi...) và nuôi trồng thủy sản được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 toàn huyện giảm còn 2,28%. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì luôn đứng trong tốp đầu của tỉnh; hệ thống khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Theo chinhphu.vn