THCL - Trước những giá trị về mặt văn hóa và lịch sử của Lễ hội đền Cờn, Bộ VH-TT&DL đã chính thức công nhận Lễ hội đền Cờn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khung cảnh đền Cờn
Đền Cờn nằm ở gò Diệc, bên cạnh dòng sông Mai thuộc phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai, Nghệ An). Đền được xây dựng từ thế kỷ XIII.
Là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất xứ Nghệ, được người dân truyền tụng qua nhiều thế hệ với câu nói: “Nhất Cờn, nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”, Lễ hội đền Cờn hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách tới tham quan, chiêm bái.
Sử sách còn ghi lại: “Đền Cờn thờ Tứ vị thánh nương là Dương Thái Hậu, Hoàng hậu và hai công chúa nhà Nam Tống. Nghe tin ở nhà vương triều thất thủ, bốn bà lần lượt nhảy xuống biển tự vẫn. Các bà thường hiển linh về giúp nhân dân trong vùng. Sau đó, các bà được vua Trần An Tông phong làm Đại kiền quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương.
Vua Trần Thái Tông, vua Lê Thánh Tông, vua Quang Trung khi đi đánh trận đều qua đền lập đàn tế lễ, cầu xin Tứ vị thánh nương phù hộ cho quân ta thắng trận”.
Từ đó tới nay, Lễ hội đền Cờn được tổ chức thường niên vào 3 ngày 19, 20, 21 tháng Giêng Âm lịch để tưởng nhớ công ơn của các vị Thánh đã giúp nhân dân miền biển Hoàng Mai. Đây được coi là lễ hội cổ xưa nhất của xứ Nghệ còn gìn giữ được những nét đẹp văn hóa phần lễ bao gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ…
Trước đó, đền Cờn đã được công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia. Với việc được công nhận cả phần lễ hội đền Cờn, như một minh chứng cho thấy sức sống bền bỉ của văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử, cũng như ghi nhận những giá trị văn hóa lịch sử lưu truyền trong suốt hàng nghìn năm qua.
Quang Nam