Quang cảnh buổi họp báo
Tại cuộc họp, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ - người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, trong quý IV và cả năm 2017, Bộ, ngành tư pháp đã tiếp tục thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác. Kết quả công tác đã được thể hiện thông qua 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của ngành tư pháp và trong Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018, đã được trình bày tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018.
Năm 2018, ngành tư pháp xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp để thực hiện.
Tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019; Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua; Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các hoạt động của Ngành, nhất là các lĩnh vực liên quan đến lý lịch tư pháp, hộ tịch; Thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp đầu tư quốc tế nhất là trong quản lý nhà nước về đầu tư và giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài; Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời thanh tra, kiểm tra, xứ lý nghiêm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp; Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo...
Trong quý IV/2017 và đầu tháng 01/2018, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền một số văn bản: Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trợ giúp pháp lý; Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới...
Tại buổi họp báo, các phóng viên đã nêu lên những câu hỏi liên quan đến hoạt động của Bộ, ngành tư pháp như công tác thi hành án dân sự, hành lang pháp lý quản lý tiền ảo (đồng Bitcoin)...
Trả lời phóng viên về vấn đề hành lang pháp lý quản lý tiền ảo (đồng Bitcoin), ông Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế cho biết, tiền ảo, tiền điện tử là một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, đây là một vấn đề mới và phức tạp. Hiện nay, Bộ Tư pháp chuẩn bị đề xuất Thủ tướng theo lộ trình, dự kiến tháng 8/2018 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và quốc tế.
Dự kiến, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm quản lý tiền ảo, tiền điện tử. Đến tháng 12/2018 dự kiến sẽ trình Chính phủ hồ sơ này để xem xét. Hiện nay, nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp đang nghiên cứu chuyên sâu về kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tiễn Việt Nam để có đánh giá cụ thể.
Đỗ Uyên