Theo cáo buộc của WB, trong hai dự án trước đây: Phát triển giao thông đô thị Hà Nội (có giá trị 294,9 triệu USD, năm 2015) và Phát triển bền vững TP Đà Nẵng (272,2 triệu USD, năm 2018) do WB tài trợ, "phía SBD đã không tuân thủ quy trình đấu thầu khi không cung cấp chính xác thông tin trong giai đoạn tiền kỳ và giả mạo tài liệu trong hồ sơ dự thầu".

WB vừa đưa ra lệnh cấm vận đối với một công ty công nghệ tại Việt NamWB vừa đưa ra lệnh cấm vận đối với một công ty công nghệ tại Việt Nam

Theo SBD, thông cáo báo chí thông báo sự việc từ phía WB liên quan đến hai gói thầu BRT Hà nội (2015) và BRT Đà Nẵng (2018) mà SBD có tham gia dự thầu. Theo đó trong quá trình dự thầu, nhân viên của SBD có tiếp cận khách hàng để tác động và trong hồ sơ thầu có 1 thư hỗ trợ dự án được coi là giả mạo.

Công ty này đã nhìn nhận, việc để nhân viên tiếp cận khách hàng để hỗ trợ kĩ thuật trước thời điểm thầu là không phù hợp với nguyên tắc đối với các dự án của WB. Đó cũng là lỗi của SBD trong việc quản lý nhân viên của mình.

Về thư hỗ trợ dự án, SBD cho biết công ty này nhận từ một công ty phân phối thiết bị của hãng ở Việt Nam cho các thiết bị UPS với giá trị chiếm khoảng 0,11% tổng giá trị dự thầu. “Đối với thư này SBD đã sơ sót khi không kiểm tra tính xác thực lại với hãng sản xuất”, thông tin từ SBD thừa nhận.

Cả hai gói thầu nói trên SBD đều không là đơn vị trúng thầu.

Cũng theo công ty này, phía WB đã làm việc chi tiết với SBD trong hai năm 2019-2020 để làm rõ những vấn đề trên. Trong quá trình làm việc, WB ghi nhận sự phối hợp của SBD và cũng đồng ý đây không phải là sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty. Vì vậy, WB đã giảm thời hạn cấm tham dự các dự án do World Bank tài trợ vốn từ 9 năm xuống còn 7 năm và sẽ tiếp tục giảm thêm nếu SBD thực hiện tốt các cam kết giữa hai bên.

Huy Trung