Lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiểm tra dự án điện mặt trời tại huyện Lộc Ninh (Ảnh EVN)Lãnh đạo tỉnh Bình Phước kiểm tra dự án điện mặt trời tại huyện Lộc Ninh (Ảnh EVN)

Dự án ĐMT góp phần cải thiện cơ cấu kinh tế địa phương

Nói chưa sõi tiếng kinh, nhưng Điếu Phi Hồ, dân tộc S'tiêng, ngụ xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) hết sức phấn khởi khi ở xã anh sắp hoàn thành dự án điện mặt trời (ĐMT), có cái tên rất dễ nhớ “Dự án ĐMT Lộc Ninh”.

Anh Hồ cho biết, vùng này đất cằn cỗi, bạc màu, không phù hợp với phát triển nông nghiệp, hầu hết là rừng khộp, hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy, bao đời nay, người dân có mức sống trung bình thấp. Nay có dự án ĐMT, con cháu vừa được đào tạo tại chỗ, vừa có việc làm ổn định lâu dài, 1 tháng lương bằng cả năm làm ruộng. Bà con, ai cũng vui vẻ, phấn khởi.

Ép cọc làm giá đỡ tấm Pin ĐMT Lộc Ninh (Ảnh báo Nhân dân)Ép cọc làm giá đỡ tấm Pin ĐMT Lộc Ninh (Ảnh báo Nhân dân)

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, Lê Trường Sơn khẳng định:

“Chúng tôi rất kỳ vọng vào dự án ĐMT, bởi sẽ giúp cải thiện cơ cấu kinh tế của địa phương. Vùng đất này, trước đây được giao cho các DN trồng cây cao su, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Ngược lại, đây là vùng đất có cường độ bức xạ mặt trời cao so nhiều nơi khác, rất thuận lợi cho phát triển ĐMT. Được sự kêu gọi đầu tư của tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Hưng Hải đã khảo sát và quyết định đầu tư xây dựng 5 NM ĐMT tại huyện Lộc Ninh. Dự án đang được Tập đoàn Hưng Hải triển khai nhanh chóng, đồng bộ”.

Nói về giá trị khi ĐMT Lộc Ninh đi vào hoạt động, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Phước cho biết:

“Trong điều kiện các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện... ngày càng khó khăn, thì phát triển ĐMT là một chính sách hợp lý, sẽ giải quyết được cùng lúc nhiều vấn đề. Đó là cung cấp năng lượng cho phát triển KT-XH, sản xuất và đời sống nhân dân trong khu vực, tạo nguồn thu NSNN, giải quyết được việc làm cho lao động địa phương trong giai đoạn xây dựng NM, cũng như sau khi các NM đi vào hoạt động”.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước:

"Thời gian qua, UBND tỉnh đã thống nhất quy hoạch chuyển đổi một phần diện tích đất xấu, đất sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả sang đất thực hiện các dự án ĐMT. Chủ trương của tỉnh đã được Chính phủ chấp thuận và phê duyệt. Khi đi vào khai thác, các dự án ĐMT hằng năm sẽ cung cấp cho Bình Phước một lượng điện sạch khá lớn, hòa vào lưới điện quốc gia. Ngoài ra, dự án ĐMT do Tập đoàn Hưng Hải đầu tư, khi đi vào hoạt động, sẽ đóng góp khoảng 5%  ngân sách tỉnh.

Đây là nguồn thu bền vững, do đó tỉnh sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhất là khâu GPMB và đảm bảo an ninh trật tự”.

Chính phủ tạo điều kiện, DN quyết tâm triển khai dự án trước tiến độ

Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam”. Ngay sau đó, tỉnh Bình Phước đã kêu gọi đầu tư phát triển dự án ĐMT trên những vùng đất kém màu mỡ, khô cằn. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt dự án ĐMT với quy mô 800 MWp, tại huyện biên giới Lộc Ninh.

Thủy điện Nâm Na 2 hòa lưới điện quốc gia (Ảnh Tập đoàn Hưng Hải)Thủy điện Nâm Na 2 hòa lưới điện quốc gia (Ảnh Tập đoàn Hưng Hải)

Đến nay, mặc dù có sự tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng 5 NM ĐMT (bao gồm Lộc Ninh 1, 2, 3, 4, 5), do Tập đoàn Hưng Hải đầu tư tại Bình Phước, đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể chạy thử vào cuối tháng 11 và vận hành thương mại vào cuối tháng 12/2020.

Giai đoạn 1 của 5 dự án này có tổng công suất 800 Mgp. Đây là dự án ĐMT đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bình Phước được triển khai. Sau khi hòa lưới điện quốc gia, hàng năm, các NM ĐMT này sẽ đóng góp cho ngân sách tỉnh hơn 400 tỷ đồng (khoảng 5% tổng thu ngân sách của Bình Phước).

Hoạt động thi công dự án đang được triển khai nhanh chóng để đạt các yêu cầu tiến độ. Bên cạnh việc xây dựng 5 NM, Tập đoàn Hưng Hải cũng trực tiếp đầu tư đường dây truyền tải 220 kV Lộc Ninh - Bình Long 2, dài 29 km.

Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải cho biết: Phần thi công giá đỡ pin mặt trời sẽ hoàn thành vào tháng 8/2020, các công việc lắp đặt tấm pin với 5.000 lao động sẽ được triển khai để đảm bảo hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành trước thời hạn dự kiến. Chính phủ đã ban hành QĐ số 13/2020/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 22/5/2020) quy định về giá mua điện cho các dự án ĐTM đến ngày 31/12/2020. Vì thế, chúng tôi càng gấp rút triển khai thi công để kịp đóng điện đúng tiến độ.

Tập đoàn Hưng Hải đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho việc GPMB, thi công các hạng mục kỹ thuật, xây dựng đường dây truyền tải điện từ các NM hòa vào lưới điện quốc gia. Hiện tại, Tập đoàn Hưng Hải cũng đang hợp đồng với Tập đoàn Super energy Technology cùng góp vốn theo hình thức “Hợp đồng giao tổng thầu - chìa khóa trao tay”.

Trong bối cảnh năng lượng khan hiếm như hiện nay, việc dự án ĐMT Lộc Ninh đi vào hoạt động, sẽ tạo ra nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải thành lập cách đây hơn 20 năm, hoạt động theo phương châm “Tăng cường đầu tư – Mở rộng hợp tác – Hiệu quả lâu dài”. Ban đầu, chủ yếu xây dựng các công trình giao thông, triển khai các dự án thủy điện như Thủy điện Nậm Na 1, 2 và 3 hòa lưới điện quốc gia (Lai Châu) và một số công trình quốc lộ, tỉnh lộ, khu tái định cư.

Qua hơn 20 năm hoạt động, công ty đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen; được trao giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu, Giải thưởng Sao vàng đất Việt và nhiều phần thưởng của các bộ, ban, ngành.

                                                                                      Nguyễn Chiến Thắng