Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, bà Kate O'Brien cho biết, cơ chế COVAX cần khoảng 7 tỷ USD để cung ứng đủ vaccine COVID-19 đến các quốc gia có thu nhập thấp hơn vào cuối năm 2021. Hiện COVAX đã huy động được khoảng 6 tỷ USD, do đó có thể tiếp cận hơn 2 tỷ liều vaccine. Bà nêu rõ, WHO dự kiến bắt đầu bàn giao số vaccine này vào cuối tháng 1 hoặc trong nửa đầu tháng 2.
Các công ty sản xuất vaccine tham gia vào Cơ chế COVAX bao gồm Pfizer-BioNTech, Moderna và AstraZeneca/Oxford.
COVAX là cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine phòng COVID-19 do WHO khởi xướng để có nguồn kinh phí mua và phân phối vaccine cho các nước nghèo. Mục tiêu của COVAX là đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp 2 tỷ liều vaccine trên khắp thế giới. Những đối tượng được ưu tiên ban đầu là nhân viên y tế và người dân dễ bị tổn thương nhất ở mọi quốc gia tham gia, bất kể mức thu nhập.
Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) là một trong những sáng kiến đa phương nhằm đảm bảo việc sẵn có vaccine cho người dân trên toàn thế giới. COVAX được đồng lãnh đạo bởi Gavi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Đổi mới sẵn sàng ứng phó đại dịch (CEPI). Hơn 70 nước giàu đã cam kết tham gia kế hoạch phân bổ vaccine COVID-19 toàn cầu do WHO khởi xướng nhằm hỗ trợ việc mua và phân phối công bằng vaccine này. Ông Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (Gavi), cho biết, Nhật Bản, Đức, Na Uy và hơn 70 quốc gia khác đã tham gia cơ chế COVAX, đồng ý về nguyên tắc mua vaccine COVID-19 thông qua kế hoạch phân bổ vaccine toàn cầu.
Trúc Mai