Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên. Quy định hiện hành bắt buộc đăng kiểm viên có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí.

"Đăng kiểm là ngành nghề kỹ thuật, những người làm kỹ thuật có tay nghề cũng có thể trở thành đăng kiểm viên, không nhất thiết có bằng đại học", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam nói.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Hiện nay, tiêu chuẩn của đăng kiểm viên khá cao, bao gồm: tốt nghiệp đại học chuyên ngành đào tạo kỹ thuật cơ khí, có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên, đạt kết quả đánh giá đạt yêu cầu. Đăng kiểm viên bậc cao ngoài trình độ trên còn phải có kinh nghiệm là đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng, đạt yêu cầu nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Dự thảo nghị định cũng đề xuất mỗi dây chuyền chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm (thay vì 3 như hiện nay) để khai thác tối đa năng lực các đơn vị đăng kiểm. Thực tế, nhiều trung tâm chỉ có 1-2 đăng kiểm viên nên toàn bộ dây chuyền phải đóng.

Đơn vị soạn thảo cũng đề xuất mỗi dây chuyền được kiểm định không giới hạn công suất. Quy định hiện hành yêu cầu một dây chuyền loại I kiểm định không quá 90 xe, dây chuyền loại II không quá 70 xe/ngày.

Dự thảo nghị định cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng quy chuẩn được phép kiểm định ô tô.

Minh Đức