Cụ thể, Cục đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xem xét giảm 50% phí, lệ phí của phương tiện ra vào các vùng nước để giao nhận hàng hóa ở khu vực cảng biển và các bến thủy nội địa. Thời gian thực hiện từ tháng 04/2022 đến hết 31/12/2022.
Đồng thời, tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải từ 8 xuống 5% và xem xét điều tiết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải từ 20% xuống 15%.
Cục Hàng hải cũng đề nghị kiểm soát mức tăng giá nhiên liệu ở mức vừa phải bằng các biện pháp như: Giảm thuế bảo vệ môi trường từ 2.000-3.000 đồng/lít, thời gian áp dụng từ tháng 3/2022; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 10% xuống 5-6%; sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu để điều tiết giá một cách khoa học, hợp lý trong trong đoạn giá tăng cao như hiện nay.
Cục Hàng hải đưa ra đề xuất này dựa trên cơ sở khảo sát, đánh giá và các phản án, đề xuất của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam và các hiệp hội chủ tàu địa phương và các doanh nghiệp vận tải.
Theo các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải biển, từ năm 2021, giá dầu trên thế giới bắt đầu gia tăng, mức tăng trung bình khoảng 67% so với năm 2020. Đỉnh điểm đến đầu năm 2022, giá dầu tiếp tục leo thang, đạt mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do căng thẳng chính trị của một số nước trên thế giới.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực vận tải, giá nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của doanh nghiệp, khoảng 35-50% trong cơ cấu giá thành. Do vậy giá nhiên liệu tăng sẽ tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và giá vận tải.
Về xu hướng biến động giá nhiên liệu, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo giá nhiên liệu sẽ còn tăng, do một số các nguyên nhân như, tác động của chiến tranh quân sự giữa một số nước trên thế giới, chiến tranh kinh tế giữa các cường quốc kinh tế sẽ ảnh hưởng đến giá nhiên liệu…
Anh Minh