Khi màn đêm buông xuống, từ những con phố nhỏ cho đến những đại lộ rộng thênh thang, hình dáng người lao công cùng tiếng chổi tre lại hiện lên trong đêm vắng. Với tinh thần trách nhiệm, cùng với mong ước giản dị, những con người ấy hàng đêm vẫn lầm lũ, miệt mài trên mặt trận dìn giữ nét đẹp của Thủ đô.

Những người lao công lầm lũi với công việc của mình

Một nghề vất vả

5h chiều, khi dòng người vội vã ngược xuôi trở về nhà bên mâm cơm tối cùng gia đình sau một ngày làm việc, thì đây là lúc những người công nhân quét rác đêm bắt đầu với công việc của mình.

Trong tiết trời xe lạnh, xen lẫn mưa phùn của những ngày đầu năm, chúng tôi theo chân những người công nhân thuộc Công ty Môi trường và Đô thị Hà Nội đi thu gom rác thải trên tuyến đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội). Đoạn đường dài khoảng gần 2km, nhưng chỉ có 2 nhân viên cùng 2 xe đẩy chịu trach nhiệm quét và thu gom những túi rác người dân đã để sẵn trên vỉa hè lên xe đẩy và đưa về địa điểm tập kết để chuyển lên xe ô tô.


Chuyến xe chuyên dụng cuối ngày đến thu gom rác thải

Tại đây, rác thải được vứt ngổn ngang, cùng với mưa phùn nhiều ngày khiến con đường trở nên trơn trượt, ẩm ướt. Thấy tôi hì hục bên chiếc xe đẩy, cô Nguyễn Thị Trà (năm nay đã hơn 40 tuổi, có thâm niên gần 20 năm làm nghề) nói vọng: “Mưa phùn thế này này ăn thua gì. Gặp những hôm bão lớn, rác thải, lá cây ngổn ngang bay khắp đường còn khổ hơn nhiều. Lúc mọi người ở nhà tránh bão cũng là khi những công nhân vệ sinh như cô đội mưa đi làm cháu ạ!”.

Theo cô Trà, công việc của những nhân viên môi trường mỗi ngày được chia làm 2 ca. Ca ngày từ 8h sáng đến 5h chiều; ca đêm từ 18h đến 2h sáng hôm sau. Thường thì làm ca đêm bao giờ cũng vất vả, cực nhọc hơn, bởi lúc này những nhân viên môi trường phải dọn dẹp một lượng lớn rác thải của cả một ngày dồn lại.

Chúng tôi thắc mắc, tại sao cô không nhận làm ca ngày cho đỡ vất vả? thì cô Trang  cho hay: “Ban ngày cô đi làm cho một cửa hàng bán đồ nội thất, nên cô nhận làm đêm, tranh thủ làm thêm kiếm cháu ạ. Công ty phân theo ca là vậy, nhưng ngày nào cô cũng phải đi từ lúc 17h đến tận 4h sáng mới được về nhà. Bởi theo quy định của Công ty, nếu lượng rác do mình thu gom chưa được chuyển hết lên xe ô tô thì chưa hoàn thành công việc”.

Sau một hồi thu gom, lượng rác trên xe đẩy đã chất cao quá đầu, lau những giọt mồ hôi trên trán, cô Trà ngồi xuống một góc vỉa hè. Chỉ tay về những bịch nilon tung tóe khắp lề đường cô nói: “Những người quét rác như côc sợ nhất là những ngày lễ tết, bởi những ngày này người dân khắp nơi đổ về thành phố như chảy hội, rác cũng vì thế mà ngập đường. Đây là lúc công nhân quét rác cơ cực nhất, phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường”.

Nói rồi cô lại khom người đẩy chiếc xe nặng trĩu. Rác ở đây nhiều đến nỗi cô phải dùng thêm những tấm gỗ cơi nới thêm diện tích của xe đẩy rác. Tôi cũng tranh thủ cầm chổi quét đường mong cảm nhận phần nào "phận" người quét rác. Cái chổi to, nặng trịch. Quét được vài mét, tay tôi như bỏng rát vì bị phỏng rộp. Thấy vậy chị Phạm Thị Hương (người cùng dọn vệ sinh trên tuyến đường với cô Trà) cười to: "Quét rác đường phố không như quét nhà đâu. Chổi thì phải vừa tay, cán không cao quá, không thấp quá, phải buộc chặt thì khi quét mới đưa đi đưa lại thoải mái được. Khi quét, không mạnh tay để tránh bụi, nước bẩn bay vào người đi đường. Mỗi người được phân công quét dọn khoảng 10.000 m2 đường, nhưng chỉ có 30 phút nghỉ ngơi thôi. Nếu không biết cách thì chỉ làm được một buổi là nằm liệt giường ngay…".


Những giây phút giải lao ít ỏi của người lao công

Làm công nhân quét rác hầu như không có ngày nghỉ, chỉ cần nghỉ một buổi thôi, rác lại tràn ngập đường phố. Thế nên, dù trời có lạnh, hay lúc mưa to gió lớn thì những chiếc xe rác vẫn kẽo kẹt một cách chậm rãi để chắc chắn rằng những nơi mình đi qua không còn rác. Rồi khi chiều xuống, trong khi mọi gia đình đang sum vầy đấm ấm bên mâm cơm chiều thì tiếng chổi tre của các công nhân lại loẹt quẹt giữa không gian.

Vẫn còn những mảnh đời bất hạnh

Công việc quét rác, bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp cho bộ mặt Thủ đô là thế, tuy nhiên họ cũng chính là những người gặp không ít rủi ro, khó khăn, phức tạp khi phải thức khuya, dậy sớm, phải đối mặt với những căn bệnh nghề nghiệp như: Viêm mũi, đau khớp, đau mắt… công việc khó khăn, vất vả và nguy hiểm như vậy nhưng một khi đã bước vào nghề, thì ít ai bỏ cuộc nửa chừng.

Cô Trà kể lại, cách đây vài tháng cả công ty của cô như chết lặng khi phải chứng kiến một công nhân mới chỉ hơn 30 tuổi tử vong vì căn bệnh ho lao quái ác. Để lại vợ dại, con thơ, bố mẹ gia không nơi nương tựa.

“Vẫn biết là công việc này luôn vất vả, phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật rình rập. Nhưng chẳng ai nghĩ nó lại đến nhanh và đau đến vậy”. Cô Trà buồn bã nói.

Vât vả là thế, nguy hiểm là thế. Nhưng những đồng lương người làm lâu năm như cô Trà cũng chỉ được chừng gần 5 triệu đồng/tháng. Chồng chạy xe ôm một ngày cũng chẳng kiếm được là bao. Cả nhà 4 miệng ăn đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của cô. Thời buổi kinh tế khó khăn mọi nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như điện, nước, thực phẩm liên tục tăng giá khiến đôi vai của người nữ lao công thêm phần gánh nặng... “Giờ cô chỉ mong các con sớm học hành ra trường, có công ăn việc làm ổn định thì dẫu có mệt mỏi, vất cả đến đâu cô cũng chịu được!”.

Nghe câu chuyện của cô Trà, chị Hương cũng chải lòng: “Quê chị ở Thanh Hóa, anh đã qua đời sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc, giờ đây chị phải nuôi 2 cháu nhỏ. Sống ở quê mình làm quần quật cả ngày không đủ ăn, nên chị đành gửi 2 cháu cho ông bà ngoại để ra Hà Nội mưu sinh. Vì mới đi làm nên chị vẫn phải ăn lương hợp đồng, hàng tháng, trừ tiền thuê nhà, chị chi tiêu tằn tiện cũng còn một ít tiền gửi về quê cho con ăn học. Phận gái xa quê, biết bao khó khăn nhưng chỉ cần nhìn thấy các con mạnh khỏe, ngoan ngoãn là chị thấy vui lắm rồi…”.

Tôi đưa mắt nhìn những chiếc xe đầy ăm ắp rác đang được xếp gọn gàng chờ ô tô chuyên dụng đến chở đi. Hóa ra chiếc xe ấy đang chở biêt bao số phận con người, trong đó có cả những ước mơ, hoài bão thật giản dị.

Giây phút tĩnh lặng ấy vội qua bởi tiếng máy của xe ô tô chuyên dụng chở rác thải tải điểm tập kết lại ì ầm như thúc giục, người đẩy xe, người cầm chổi những người lao công lại tiếp tục với công việc thường ngày của mình.

3h sáng, khi chuyến xe ô tô chuyên dụng thu gom rác thải cuối rời điểm tập kết cũng là lúc những người như cô Trà, chị Hương được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Nhìn hình ảnh những công nhân quét rác lầm lũi, lọt thỏm giữa những chuyến xe buýt trễ giờ, những chiếc taxi đón trả khách vô tội vạ, hay những chiếc xe máy ngang dọc trên vỉa hè… tôi chợt nhớ đến bài thơ "Tiếng chổi tre" của nhà thơ Tố Hữu.

Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có một thời để học hành và nuôi dưỡng những ước mơ cho tương lai của mình. Nhưng có một điều chắc chắn rằng không ai mơ ước sau này mình sẽ trở thành người công nhân “quét rác”. Bởi trong sâu thẳm suy nghĩ của mỗi người, đều cho đó là công việc vất vả, phải chịu nhiều thiệt thòi. Thế nhưng, hằng ngày trên mọi ngả đường, con phố của Thủ đô vẫn có hàng trăm công nhân vệ sinh môi trường vượt qua những thị phi đời thường để làm việc. Chính công việc thầm lặng ấy của họ đã góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày một văn minh, hiện đại.

Tuấn Ngọc – Vân Anh