Thủ đoạn buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường Nam Định cho biết, trong quý I/2024, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn ngày càng tinh vi như: Lợi dụng các thời điểm nhạy cảm như ngày Lễ, Tết để kinh doanh, buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; các đối tượng luôn thay đổi thời gian, phương thức kinh doanh, vận chuyển, địa điểm tập kết hàng hóa; lén lút bày bán, kinh doanh hàng giả lẫn với hàng hoá hợp pháp; lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách quản lý nhà nước để buôn lậu; mua bán hàng hóa thông qua giao dịch điện tử, mạng internet và gửi nhận hàng qua bưu điện, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Hàng giả bị phát hiện chủ yếu là trong khâu vận chuyển và kinh doanh. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng vi phạm là mua hàng giả do nước ngoài sản xuất, để nhập lậu vào Việt Nam và đưa đi tiêu thụ trên thị trường nội địa, trong đó có địa bàn tỉnh Nam Định. Đối tượng kinh doanh chủ yếu trà trộn vào hàng thật cùng loại hoặc hợp lý hóa bằng hóa đơn chứng từ hợp pháp. Cũng có trường hợp hàng giả bày bán công khai do cả người mua và người bán đều không rõ thông tin về hàng hóa.
Về tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm về cơ bản đã được kiểm soát. Trên địa bàn chưa phát hiện các tụ điểm, đường dây, ổ nhóm hoạt động thường xuyên, song vẫn chứa đựng nguy cơ, diễn biến phức tạp.
Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu là: thường xé lẻ hàng hoá, khoán vận chuyển hàng hoá theo cung đoạn, để lẫn trong hàng hoá khác, không xuất trình được hoá đơn hợp pháp của hàng hóa, để hàng hóa nhập lậu ở một nơi, nơi bán chỉ để một lượng hàng hóa nhỏ, khi khách mua thì mới đưa ra. Mặt hàng đã phát hiện xử lý gồm giày dép, quần áo, vải vóc, thực phẩm các loại, xe đạp, thiết bị vệ sinh…
Trước việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Do bán hàng qua mạng nên không cần có cửa hàng, cửa hiệu, các đối tượng vi phạm đã dùng nhà ở để làm nơi kinh doanh, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.
Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Nhiều trường hợp đã bị phát hiện, đó là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường
Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nam Định, Trần Trung Thành cho biết:
Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường UBND tỉnh Nam Định, Ban Chỉ đạo 389 Nam Định, quý I/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung triển khai quyết liệt Kế hoạch 597/KH-CQLTT ngày 14/11/2023 về việc cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đặc biệt, đơn vị kiểm tra, kiểm soát chặt các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như gas, xăng dầu, mặt hàng đường, mặt hàng lương thực thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá; dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vải sợi, quần áo. Các hành vi vi phạm đã được lực lượng quản lý thị trường tỉnh phát hiện, xử theo đúng pháp luật.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các nhân để thu thập thông tin về đối tượng có hành vi sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, từ đó áp dụng biện pháp nghiệp vụ đấu tranh xử lý có hiệu quả với các đối tượng vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong môi trường thương mại điện tử.
Cục thực hiện Kế hoạch 597/KH-CQLTT ngày 14/11/2023 về việc cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 và Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn năm 2024, ban hành kèm theo Quyết định số 44/QĐ-CQLTT ngày 23/1/2024 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Nam Định.
Cục ban hành công văn số 696/QLTTNĐ-NVTH ngày 21/12/2023 về việc kiểm soát đấu tranh phòng, chống buôn lậu mặt hàng vàng; công văn số 709/QLTTNĐ-NVTH ngày 27/12/2023 về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024; Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2024 kèm theo Quyết định số 706/QĐ-CQLTT ngày 25/12/2023 của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nam Định…
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng, các cơ quan có liên quan để khai thác trao đổi thông tin, phối hợp để xác định các đối tượng buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, từ đó xây dựng các phương án kiểm tra và xử lý đạt hiệu quả cao.
Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo Cục quán triệt toàn lực lượng chấp hành nghiêm mọi quy chế, quy trình và các quy định của pháp luật trong thực thi công vụ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật. Đồng thời, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo kịp thời những vấn đề nổi cộm về diễn biến thị trường để các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã làm tốt chức năng nhiệm vụ văn phòng thường trực của Ban về việc tổng hợp, báo cáo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hàng tháng đảm bảo chất lượng, thời gian, đúng tiến độ.
Kết quả, quý I/2024, Cục Quản lý thị trường Nam Định kiểm tra 131 vụ, xử lý 94 vụ, chờ xử lý 1 vụ. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 779.780.000 đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy 663.609.000 đồng.
Phạm Thịnh