Theo đó, trong tháng, công tác quản lý thị trường và hoạt động của Cục Quản lý thị trường tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tổng cục Quản lý thị trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 Nam Định, cùng sự phối hợp có hiệu quả của các cấp chính quyền và các lực lượng chức năng liên quan; qua đó, tình hình thị trường trên địa bàn cơ bản ổn định, không xảy ra tình hình phức tạp về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, không có tình trạng đầu cơ tích trữ, tăng giá bất hợp lý.
Trong tháng, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 112 lượt, xử lý 35 vụ (35 hành vi); nộp ngân sách nhà nước gần 270 triệu đồng. Trong đó: Lĩnh vực an toàn thực phẩm, kiểm tra 21 lượt, xử lý 9 vụ, phạt hành chính 6,75 triệu đồng; lĩnh vực xăng dầu, kiểm tra 49 lượt, xử lý 1 vụ, phạt hành chính 15 triệu đồng; lĩnh vực LPG, CNG, LNG, kiểm tra 22 lượt, xử lý 11 vụ, xử phạt hành chính gần 12 triệu đồng...
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Nam Định cho biết:
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong tháng, Cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai các Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân để thu thập thông tin về đố tượng có hành vi kinh doanh trái pháp luật, từ đó áp dụng biện pháp nghiệp vụ đấu tranh xử lý có hiệu quả với các đối tượng vi phạm, nhất là vi phạm trong môi trường thương mại điện tử...
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: "Trong tháng 8, Cục Quản lý thị trường tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình kế hoạch đã ban hành, như Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2023, Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về chất lượng xăng dầu năm 2023, Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh năm 2023".
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; thu thập thông tin, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn để kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Các đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại, hàng nhập lậu. Không để xảy ra tình trạng kinh doanh công khai hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không có nguồn gốc xuất xứ; chú trọng chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn bán, kinh doanh hàng lậu trên khâu lưu thông, kết hợp với công tác quản lý địa bàn có hiệu quả; nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, hàng điện tử, xăng dầu, vàng bạc, quần áo thời trang, hóa chất.
Lực lượng quản lý thị trường triển khai áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Nguyễn Kiên