Cục QLTT Quảng Bình vừa chủ trì phối hợp với đại diện các ngành liên quan gồm: Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT và các Phòng chuyên môn, các Đội thuộc Cục tổ chức đợt tiêu hủy trên.

Sử dụng máy cán nát các sản phẩm tiêu hủy
Sử dụng máy cán nát các sản phẩm tiêu hủy. (Ảnh: DMS)

Việc tiêu huỷ được thực hiện tại bãi rác Ba Trang (thuộc xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới). Tài sản tiêu hủy gồm 67 nhóm mặt hàng với tổng trị giá gần 4,7 tỷ đồng. Trong đó, gồm: 175.545 sản phẩm hàng hóa là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng (đồng hồ, điện thoại, máy tính bảng, mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đường các loại, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, hàng phụ tùng, giày dép, áo quần, túi xách, kem dưỡng da, sữa tắm, son môi...) và 2.143 kg thực phẩm đông lạnh (chả cốm, chả sụn) không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm an toàn thực phẩm.

Tiến hành đập vỡ các sản phẩm đồng hồ, điện thoại
Tiến hành đập vỡ các sản phẩm đồng hồ, điện thoại. (Ảnh: DMS)

Phương pháp tiêu huỷ là đối với các mặt hàng tiêu dùng thông thường được thực hiện bằng các phương pháp cắt plasma, đập vỡ, dùng xe ủi cán bể, nát, làm mất hoàn toàn công dụng vốn có của hàng hóa, sau đó tiến hành đốt cháy, chôn lấp hoàn toàn.

Sử dụng máy cắt plasma để cắt các sản phẩm bằng kim loại
Sử dụng máy cắt plasma để cắt các sản phẩm bằng kim loại. (Ảnh: DMS)

Đối với hàng hóa là thực phẩm đông lạnh thực hiện tiêu hủy bằng phương pháp đào hố chôn, trải bạt, rắc vôi bột ở phần đáy và trên bề mặt thực phẩm cần tiêu hủy, phun khử khuẩn, lấp đất và nện chặt.

Thực hiện tiêu hủy đối với chả cốm, chả sụn
Thực hiện tiêu hủy đối với chả cốm, chả sụn. (Ảnh: DMS)

Quá trình thực hiện tiêu hủy đã diễn ra nghiêm túc, có tính răn đe và bảo đảm đúng phương án đã đề ra, không để xảy ra tình trạng thất thoát, mất tài sản trong quá trình tiêu hủy, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Quyết Linh