Đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Cụ thể, ngày 19/9, Cục Quản lý Dược đã có văn bản số 3141/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc, tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm.

Theo đó, văn bản số 3141 của Cục Quản lý Dược nêu rõ, hiện nay, qua công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về sản xuất, buôn bán mỹ phẩm, vẫn còn một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng với địa chỉ trong hồ sơ công bố; thay đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý theo quy định; chưa tuân thủ đầy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm không đạt chất lượng, mỹ phẩm chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố theo quy định; một số sản phẩm mỹ phẩm ghi tính năng công dụng gây hiểu nhầm là thuốc.

Một phần văn bản số 3141/QLD-MP của Cục Quản lý Dược
Một phần văn bản số 3141/QLD-MP của Cục Quản lý Dược.

Mặt khác, qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, trên mạng internet, các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, Youtube ...) có tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng trong hồ sơ công bố đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Từ thực tế trên, để thực hiện tốt công tác quản lý mỹ phẩm, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn;

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã thu hồi, tiêu hủy nhiều sản phẩm mỹ phẩm không an toàn cho người sử dụng
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã thu hồi, tiêu hủy nhiều sản phẩm mỹ phẩm không an toàn cho người sử dụng

Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội Facebook, TikTok, Zalo, Youtube... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố;

“Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm theo quy định hiện hành. Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người sử dụng”, Cục Quản lý Dược nhấn mạnh.

Mỹ phẩm quảng cáo như thuốc chữa bệnh

Liên quan đến việc quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tính năng của sản phẩm mỹ phẩm, thời gian vừa qua, trên một số website, mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về thương hiệu mỹ phẩm “Meea Organic”, khiến không ít người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc chữa bệnh.

website https://meeaorigin.com/ có cả một mục “trị mụn”
website https://meeaorigin.com/ có cả một mục “trị mụn”

Cụ thể, tại website https://meeaorigin.com/ đang quảng cáo hàng chục sản phẩm chăm sóc sắc đẹp với những từ ngữ “trị”, “đặc trị”…

Theo đó, sản phẩm mỹ phẩm có tên “Cao mụn sâm đỏ 15g” đang được bán với giá 350.000 đồng/sản phẩm quảng cáo: “Cao mụn sâm đỏ là một sản phẩm làm đẹp có khả năng hỗ trợ điều trị mụn, giảm thâm và làm sáng da. Sản phẩm được bào chế từ các thành phần tự nhiên như sâm, các loại thảo dược khác và có dạng cao đặc”; “Trị mụn hiệu quả, giúp loại bỏ các loại mụn như mụn trứng cá, mụn đầu đen, mụn bọc, mụn ẩn, mụn viêm,...

Sản phẩm “Cao mụn sâm đỏ 15g” được quảng cáo có tác dụng “trị mụn hiệu quả”
Sản phẩm “Cao mụn sâm đỏ 15g” được quảng cáo có tác dụng “trị mụn hiệu quả”

Sản phẩm “Cốt Huyết Thanh 10ml” đang được bán với giá 320.000 đồng/sản phẩm được quảng cáo có công dụng: “Kháng viêm trị mụn mủ, mụn sưng viêm, mụn bọc và mụn đầu đen”; “Cốt huyết thanh chuyên chăm sóc, phục hồi và tái tạo da chuyên sâu được nhiều chị em đánh giá cao về hiệu quả sản phẩm mang lại”…

Sản phẩm “Cốt Huyết Thanh 10ml” cũng được website này quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh
Sản phẩm “Cốt Huyết Thanh 10ml” cũng được website này quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh

Cũng tại địa chỉ website này, sản phẩm “Sữa Rửa Mặt Mật Nhân Sâm 80ml” bán với giá 200.000 đồng/sản phẩm đang đươc quảng cáo: “Sữa rửa mặt Mật nhân sâm thiên về thuốc điều trị, dành cho da mụn, thâm, da nhạy cảm, không đều màu”;

Hay như sản phẩm “Mask Diếp Cá Tái Sinh 120g” được quảng cáo có công dụng “Trị mụn: Đặc tính kháng khuẩn và khả năng làm lành vết thương của diếp cá giúp giảm viêm, lấy đi nhân mụn, hỗ trợ trị thâm cho da mụn, giúp da khỏe hơn và ngăn ngừa mụn hình thành”…

CEO của thương hiệu “Meea Organic” cũng thường xuyên đăng tải các bài viết giới thiệu các sản phẩm của mình có công dụng như thuốc chữa bệnh
CEO của thương hiệu “Meea Organic” cũng thường xuyên đăng tải các bài viết giới thiệu các sản phẩm của mình có công dụng như thuốc chữa bệnh

Đặc biệt, trang facebook có tên Trần Phạm Mai Anh với hơn 100.000 người theo dõi được cho là CEO của thương hiệu “Meea Organic” cũng thường xuyên đăng tải các bài viết có sử dụng các từ ngữ như: “SIÊU PHẨM TRỊ MỤN”, “COMBOO TRỊ MỤN”, “CAO TRỊ MỤN”… để quảng bá cho những sản phẩm của mình.

Điều này, dễ khiến người tiêu dùng hiểu lầm các sản phẩm này là thuốc chữa bệnh.

Công ty không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

Như Thương hiệu và Công luận đã thông tin, thương hiệu mỹ phẩm “Meea Organic” thuộc sở hữu Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kiệt Anh Khang có địa chỉ tại lô A3, đường Nguyễn Huệ, khu phố 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, trên thực tế, địa chỉ này không có người ở, không có dấu hiệu hoạt động.

Thương hiệu mỹ phẩm “Meea Organic” thuộc sở hữu Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kiệt Anh Khang có địa chỉ tại lô A3, đường Nguyễn Huệ, khu phố 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai
Thương hiệu mỹ phẩm “Meea Organic” thuộc sở hữu Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kiệt Anh Khang có địa chỉ tại lô A3, đường Nguyễn Huệ, khu phố 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Cụ thể, thông tin với báo chí, đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, về công bố sản phẩm mỹ phẩm và quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm: qua rà soát hồ sơ lưu đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế Đồng Nai không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm đối với 03 sản phẩm mỹ phẩm: Mật Nhân Sâm”; “Cốt Thảo Dược”; “Cao Mụn Sâm Đỏ” cho Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kiệt Anh Khang (địa chỉ: Lô A3, đường Nguyễn Huệ, khu phố 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).

Cũng theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã nhiều lần tiến hành kiểm tra tại địa chỉ: Lô A3, đường Nguyễn Huệ, khu phố 3, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai nhưng đóng cửa, không có người ở, không có dấu hiệu hoạt động.

“Hằng năm, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tiến hành thanh, kiểm tra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo kế hoạch và đột xuất, nếu phát hiện vi phạm xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.” – Sở Y tế tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Hoàng Bách