Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa
Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra hàng hóa

Thực trạng vi phạm tiềm ẩn diễn biến phức tạp

Theo đó, quý III, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn Lạng Sơn tăng so cùng kỳ năm 2023 - chủ yếu tại các cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089, thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, lối thông quan Tân Thanh – Pò Chài (khu vực mốc 1090-1091), cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, cửa khẩu song phương Chi Ma. Hàng xuất khẩu chủ yếu gồm nông sản, đồ gỗ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng; hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản, hàng tạp hoá, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng...

Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của tỉnh Lạng Sơn giảm so cùng kỳ những năm trước đây, do các lực lượng chức năng hai bên biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Hoạt động xuất lậu hàng hóa thực phẩm đông lạnh diễn ra nhỏ lẻ tại một số đường mòn khu vực biên giới thuộc địa bàn các huyện Cao Lộc, Lộc Bình và Tràng Định. Các đơn vị chức năng tại tuyến biên giới đã chủ động ban hành các văn bản, triển khai lực lượng ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Tình hình gian lận thương mại qua xuất nhập khẩu giảm với quý II/2024, nhưng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng chính sách về thuế, chính sách thông thoáng về các thủ tục liên quan để khai báo sai về tên hàng hóa, số lượng, thuế suất, mã số hàng hóa, xuất xứ, năm sản xuất của máy móc thiết bị. Gian lận thương mại ở khu vực nội địa liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá, an toàn thực phẩm, đo lường, các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để gian lận về nguồn gốc xuất xứ vẫn lén lút diễn ra.

Kết quả, trong quý III, lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra 792 vụ; số vụ vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả 492 vụ; số vụ vi phạm thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý thị trường 489 vụ, số vụ vi phạm thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Lạng Sơn xử lý là 3 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 3.778.216.000 đồng, trong đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 2.556.750.000 đồng, tiền bán hàng tịch thu 534.710.000 đồng; nộp ngân sách Nhà nước 3.091.460.000 đồng.

Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm
Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm

Chủ động đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, Đặng Văn Ngọc cho biết, trong quý III, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các ý kiến, văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gắn với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc công chức và người lao động trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Theo đó, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn ban hành 3 kế hoạch và 23 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa đối với một số lĩnh vực như: thương mại điện tử, kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, an toàn thực phẩm, đo lường chất lượng, vật tư nông nghiệp, xăng dầu.

Lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thông qua hình thức thương mại điện tử; tổ thương mại điện tử tiếp tục rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, tham mưu lãnh đạo, kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm. QLTT Lạng Sơn tăng cường áp dụng biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, xử lý đột xuất, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao số thu ngân sách nhà nước, hoàn thành chỉ tiêu số thu đề ra năm 2024 theo nội dung Công văn số 68/QLTTLS-NVTH ngày 18/1/2024 của Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn.

Cùng với đó, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương phòng ngừa sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với triển khai thực hiện Kết luận số 503-KL/TU, ngày 28/3/2022 của Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn về tăng cường công tác lãnh đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu.

Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn tổ chức 3 hội nghị giao ban định kỳ tháng và các hội nghị giao ban tuần, nhằm đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ của các đơn vị; lãnh đạo Cục tham dự họp định kỳ 18 lượt với các đơn vị; trực tiếp cùng các đơn vị kiểm tra thị trường, nắm tình hình địa bàn, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiệm vụ đối với các tập thể, cá nhân trực thuộc.

Đơn vị thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Lạng Sơn, theo dõi, đôn đốc thực hiện chế độ báo cáo của các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh; thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn các giải pháp chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh theo nhóm ngành hàng, lĩnh vực.

Đồng thời, đơn vị tăng cường phối hợp các ngành chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tham mưu kế hoạch kiểm tra, thành lập Đoàn kiểm tra về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các sở, ngành liên quan.

Song song đó, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn chủ động tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn hoàn thiện các quy chế hoạt động của tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn. Tham mưu ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo 389 tỉnh đối với các ngành chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố năm 2024;

Đơn vị đẩy mạnh phối hợp các sở, ngành chức năng liên quan của tỉnh tiến hành kiểm tra liên ngành về lĩnh vực an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là nhóm hàng hóa gia cầm giống, thực phẩm nhập lậu; tổ chức phối hợp giám sát kinh doanh xăng dầu, tuyên truyền và phối hợp thực hiện các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, đạt kết quả khả quan.

Nguyễn Kiên