Chủ động đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả
Theo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, trong tháng Bảy, tình hình gian lận thương mại qua xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng chính sách về thuế, chính sách thông thoáng về các thủ tục liên quan, để khai báo sai về tên hàng hóa, số lượng, thuế suất, mã số hàng hóa, xuất xứ, năm sản xuất của máy móc thiết bị;
Gian lận thương mại ở khu vực nội địa liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hoá, an toàn thực phẩm, đo lường, các đối tượng vi phạm lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, để gian lận về nguồn gốc xuất xứ vẫn lén lút diễn ra.
Trước tình hình đó, trong tháng, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đã thực hiện tốt vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn, theo dõi, đôn đốc thực hiện chế độ báo cáo của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn các giải pháp chỉ đạo thực hiện công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh theo nhóm ngành hàng, lĩnh vực.
Đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo của cấp trên và ban hành Kế hoạch và văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn, tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn; ngăn chặn, xử lý các hành vi vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, tăng cường chú trọng kiểm tra an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hoạt động kinh doanh xăng dầu, vật tư nông nghiệp.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn trực tiếp chỉ đạo kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương phòng ngừa sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử năm 2024.
Các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn tích cực phối hợp, tổ chức tuyên truyền lưu động về văn minh thương mại. Các tổ công tác quản lý địa bàn thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền văn minh thương mại thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, trong tháng các đội quản lý thị trường trực thuộc đã tổ chức ký kết 132 lượt với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn cam kết sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật.
Kết quả, tháng Bảy lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn kiểm tra 265 vụ; số vụ vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả 162 vụ; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 1,5 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước gần 965 triệu đồng.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, dự báo trong tháng tới thị trường hàng hóa sẽ diễn ra sôi động; tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là một số mặt hàn hàng tiêu dùng, thực phẩm... qua đó, đơn vị triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thực hiện tốt các ý kiến, văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, thay đổi tích cực trong hoạt động thương mại, hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn;
Tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình thị trường, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ tại địa bàn phụ trách, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chú trọng các nhóm hàng thực phẩm chức năng, văn phòng phẩm, đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em, vật tư nông nghiệp;
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 779/KH-QLTTLS ngày 10/7/2024 của Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn về việc tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử năm 2024;
Tăng cường phối hợp lực lượng chức năng khu vực biên giới thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất nhập lậu hàng hóa qua biên giới, nhất là nhóm hàng hóa gia cầm giống, sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm nhập lậu, sản phẩm thực phẩm bảo quản đông lạnh xuất lậu;
Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực này; tích cực tuyên truyền công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm của lực lượng chức năng;
Các đội quản lý thị trường trực thuộc thực hiện tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện, tham mưu chỉ đạo các ngành chức năng trong phối hợp triển khai thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh phòng chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo ổn định thị trường;
Thực hiện kiểm tra đột xuất hậu kiểm về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các điểm phát luồng hàng hóa, khu du lịch. Triển khai công tác quản lý thị trường vật tư nông nghiệp, trong đó tổ chức phối hợp lực lượng chức năng lấy mẫu phân bón, mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm hoặc thử nghiệm để xác định hành vi, kịp thời xử lý theo quy định;
Tiếp tục giám sát chặt chẽ thị trường xăng dầu, đẩy mạnh rà soát đối tượng rủi ro để lấy mẫu, kiểm tra chất lượng xăng dầu trên địa bàn. Chủ động phối hợp với Sở Công Thương rà soát các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn; kiểm tra việc chiếm dụng bình chứa đựng gas, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề tập trung các lĩnh vực mới. Chủ trì, phối hợp kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng theo kế hoạch kiểm tra chuyên đề, song song với triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra đột xuất.
Nguyễn Kiên