Ông Nguyễn Viết Thế- Quyền Cục trưởng QLTT tỉnh Quảng Trị đang phát biểu tại hôi nghị
Ông Nguyễn Viết Thế - Quyền Cục trưởng QLTT tỉnh Quảng Trị đang phát biểu tại hội nghị.

 Quảng Trị là địa phương nằm trên đường xuyên Á, có đường biên giới dài giáp với Lào. Hàng hóa từ nước ngoài vào nội địa theo QL9; có trục QL1A, đường Hồ Chí Minh ngang qua tỉnh.

Do vậy, thị trường Quảng Trị luôn sôi động. Hàng hóa “rót” từ biên giới về, hàng hóa Bắc - Nam xuôi ngược ngày đêm không ngừng nghỉ và lực lượng QLTT cũng phải thức theo từng chuyến xe, chuyến hàng đi qua vùng đất một thời là “giới tuyến” này.

Quyền Cục trưởng Cục QLTT Quảng Trị Nguyễn Viết Thế cho biết, những tháng đầu năm, tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu, hàng cấm từ nước ngoài vào Việt Nam qua khu vực biên giới Việt - Lào vẫn diễn ra phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động hơn. Các đối tượng sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ khi bị truy đuổi, bắt giữ; phương thức chủ yếu là sử dụng xe hạ tải, xe khách vận chuyển về nội địa  tiêu thụ hoặc trà trộn, cất giấu với hàng hóa nông sản, hàng hợp pháp khác. Hàng hóa vi phạm, chủ yếu là đường cát, nước giải khát, mỹ phẩm, thuốc lá lậu.

Kiểm tra thị trường
Kiểm tra thị trường.

Trên tuyến QL1A, hàng hóa vi phạm chủ yếu là giày dép, mỹ phẩm, quần áo... để lẫn lộn với hàng hóa có hóa đơn, chứng từ khác. Các đối tượng vi phạm vận chuyển bằng các loại phương tiện kể cả xe dịch vụ bưu chính.

Tại thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng... vẫn xảy ra tại một số địa bàn trong tỉnh. Hàng hóa vi phạm, chủ yếu là các nhóm quần áo, giày dép, mũ, túi xách, đồng hồ, mỹ phẩm, thực phẩm…

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng mỹ phẩm
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến nay, tình trạng buôn lậu qua biên giới, hàng gian lận thương mại, hàng dởm... trên thị trường nội địa đã giảm mạnh. Nguyên nhân có nhiều như dịch  Covid-19, sức mua thấp... Nhưng quan trọng nhất đó là sự tăng cường hoạt động của lực lượng QLTT nói riêng cùng các lực lượng trong BCĐ389 tỉnh nói chung, đã đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới theo nội dung NQ số 41/NQ-CP của Chính phủ, BCĐ389/QG, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh.

Theo đó, Cục QLTT đã ban hành nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường theo từng thời kỳ, thời điểm; thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử.

Kết quả năm 2021, lực lượng QLTT đã tổ chức kiểm tra 661 vụ, trong đó phát hiện 337 vụ vi phạm; 142 vụ vi phạm hàng cấm, nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ, tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính: 5.450.165.000 đồng;trong đó xử phạt vi phạm hành chính 1.080.900.000 đồng, trị giá hàng hóa 4.369.265.000 đồng. So cùng kỳ 2020, tổng số vụ kiểm tra giảm 201 vụ (giảm 23,3%), số vụ xử lý giảm 106 vụ (giảm 23,9%), trị giá hàng hóa tịch thu và xử phạt giảm 983.222.000 (giảm 15,3%).

Điển hình, phải kể đến như vụ Đội QLTT số 1 bắt giữ xe dịch vụ chuyển phát nhanh vận chuyển hàng hóa vi phạm, tịch thu hàng hóa và xử phạt gần 1 tỷ đồng; tiếp đó phát hiện 01 vụ vận chuyển 6.000 kg đường kính trắng nhập lậu. Đội QLTT số 2 phát hiện 01 vụ tập kết 9.086 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không có hóa đơn, chứng từ, trị giá 653.502.000 đồng..

Phối hợp với các lực lượng kiểm tra hàng hoá
Phối hợp với các lực lượng kiểm tra hàng hoá.

Có thể nói, năm 2021, Cục QLTT Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường sát, đúng; có quy chế phối hợp với các lực lượng trong BCĐ389 tỉnh nên tình hình thị trường Quảng Trị từ “nóng” nhiều năm qua, đã có phần nào “hạ nhiệt”. Những mặt hàng thiết yếu như mỳ tôm, gạo, xúc xích, dầu ăn, nước mắm, rau củ quả, gas, xăng dầu, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 được kiểm tra thường xuyên, không để kẻ xấu  lợi dụng dịch bệnh để kinh doanh trái phép, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Quyền Cục trưởng Nguyễn Viết Thế cho biết: Năm 2021, nhìn chung, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại có giảm; tuy nhiên, vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Trên tuyến QL9, hàng nhập lậu vận chuyển về nội địa với số lượng nhỏ lẻ được gia cố, xé nhỏ, cất giấu trên xe ô tô hạ tải hoặc sử dụng xe mô tô phân khối lớn. Các đối tượng buôn lậu sẵn sàng chống đối cơ quan thực thi công vụ trong quá trình kiểm tra, bắt giữ. Trên tuyến QL1A, hàng nhập lậu từ Trung Quốc,  vận chuyển từ các tỉnh phía bắc vào và phía nam ra, được cất giấu lẫn lộn với hàng hóa có hóa đơn chứng từ hợp pháp...

Kiểm tra tại các chợ truyền thống
Kiểm tra tại các chợ truyền thống.

Năm 2022, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, tinh vi hơn với sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động buôn bán qua mạng Internet... Vì vậy, với tinh thần đoàn kết cao, lực lượng QLTT chủ động, nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm chắc tình hình thị trường; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, chú trọng kiểm tra về giá, hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, ATTP, phòng chống dịch bệnh, chất lượng hàng hóa... nhằm đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho Nhân dân.

Đặc biệt, tâp trung lực lượng, triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát đối với hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đảm bảo ổn định thị trường để người dân – vốn đã gánh nhiều mối lo về dịch bệnh, có được niềm vui trong dịp Tết đến Xuân về.

                                                                                                                                        Minh Tích- Văn Sáng