Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã kiểm tra, xử lý vi phạm sớm hoàn thành và vượt chỉ tiêu thi đua được giao trong năm 2024 về số thu nộp ngân sách đạt hơn 100 tỷ đồng (đạt 113,7 % so với chỉ tiêu, vượt hơn 12 tỷ đồng); trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý hơn 73,3 tỷ đồng (tăng 37,52% so với cùng kỳ năm 2023) và trị giá hàng hóa đã tiêu hủy hơn 60,4 tỷ đồng (tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023).
Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra, xử lý ở một số lĩnh vực, mặt hàng cũng thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, bám sát tình hình thực tế trên thị trường như:
Đối với mặt hàng vàng trang sức đã kiểm tra, xử lý 326 vụ vi phạm (chiếm tỷ trọng 6,72% tổng số vụ vi phạm), trị giá tang vật vi phạm hơn 18,26 tỷ đồng; xử phạt tiền hơn 17,6 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 18,8% tổng số tiền xử phạt);
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử đã kiểm tra, xử lý 121 vụ (giảm 08 vụ so với năm 2023) nhưng tập trung xử lý các vụ việc có quy mô lớn, điển hình như "vụ phát hiện xe vận chuyển hơn 120.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu tại Củ Chi đã chuyển cơ quan điều tra" và "vụ phát hiện hơn 10 ngàn đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng tại Quận 1 và quận Tân Phú";
Đối với hoạt động thương mại điện tử đã kiểm tra, xử lý 379 vụ vi phạm (tăng 392,2% so với năm 2023 và chiếm 7,82% tổng số vụ vi phạm), với trị giá hàng hóa vi phạm hơn 8,6 tỷ đồng (tăng 1.128,57% so với cùng kỳ năm 2023); số tiền xử phạt hơn 7,6 tỷ đồng (tăng 300% so với cùng kỳ năm 2023);
Đối với hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã kiểm tra, xử lý 2.215 vụ vi phạm (tăng 39,98% so với năm 2023 và chiếm 45,7% tổng số vụ vi phạm); tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 89,9 tỷ đồng; đã xử phạt tiền hơn 44,1 tỷ đồng (chiếm 47,62% tổng số tiền xử phạt).
Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2024, trong năm 2025, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND thành phố để triển khai thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn góp phần nâng cao hiệu quả thực thi công vụ, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung Ương, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân Thành phố và các cấp ủy đảng về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, không để gián đoạn, không tạo khoảng trống trong công tác quản lý thị trường.
Ngoài ra, đơn vị cũng đặc biệt quan tâm công tác tổ chức, xây dựng lực lượng; tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành pháp luật của công chức; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, kiểm tra thi hành pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với hành vi bảo kê, tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ; tuyệt đối không để phát sinh tư tưởng, mất đoàn kết nội bộ, không để xảy ra tình trạng so bì, bê trễ, lơ là trong thực thi công vụ.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, tăng cường công tác thu thập thông tin, thầm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử; chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả.
Tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; xây dựng các kế hoạch, phương án cụ thể, triển khai đồng bộ, thường xuyên hoạt động kiểm tra kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm; tập trung giám sát, kiểm tra trong thương mại điện tử; đặc biệt tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ tết hoặc dịch bệnh, thiên tai.
Đồng thời, đẩy mạnh số hoá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, an toàn thực phẩm và tăng cường hợp tác, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả.
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin truyền thông kịp thời đưa tin về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường, các vụ việc điển hình nhằm giáo dục phòng ngừa chung và thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong mua bán và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Hoàng Bách (t/h)