Tại tọa đàm "Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy - Những việc cần làm ngay" do Báo Thanh niên tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những thông số và sự cần thiết phải tinh gọn bộ máy.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém. Ảnh: TTXVN.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, không để cơ quan nhà nước là "vùng trú an toàn" cho cán bộ yếu kém. Ảnh: TTXVN.

Tiến sỹ Dũng nhìn nhận, sắp xếp, tổ chức bộ máy, thực chất là sắp xếp lại lợi ích, phân chia quyền lực. Chẳng hạn, việc sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Tài chính. Đó cũng là thách thức.  Đồng thời, Tiến sỹ Dũng cho rằng một thách thức khác cần được nhìn nhận là xác định chức năng thế nào để lắp vào bộ máy thì có thể vận hành. Vì nếu không rõ thì có thể không trùng khớp, nơi thừa chức năng, nơi lại không có.

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng phân tích, bộ máy hiện nay chưa phân định giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ: "Thành thử ông bộ trưởng của mình bận trên trời dưới đất vì vừa làm chính khách vừa phải điều hành. Ông bộ trưởng người ta cuối tuần có thể đi chơi golf bởi vì ông ta chỉ hoạch định chính sách và giám sát chính sách ấy có đạt được mục tiêu không, còn điều hành là của ông quốc vụ khanh - người điều hành bộ máy công vụ.

Do đó, nếu bộ trưởng của bộ nhập từ hai bộ sáp nhập mà không phân định rõ chức năng nhiệm vụ giữa giữa cơ quan tham mưu và cơ quan nắm giữ quyền lực công thì "áp lực cho ông bộ trưởng khủng khiếp luôn".

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh tạp chí Tổ chức Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh tạp chí Tổ chức Nhà nước.

Một thách thức khác, theo Tiến sỹ Dũng là làm sao để chọn được đúng người có năng lực ở lại hệ thống khi tinh gọn bộ máy. Nếu không có quy trình đo đếm, đánh giá khách quan minh bạch, lấy phiếu tín nhiệm để chọn thì chỉ những người có kỹ năng chính trị ở lại. Những người có chuyên môn, kỹ năng điều hành, kỹ năng quyết liệt để thúc đẩy công việc trật ra bên ngoài hết.

Tiến sỹ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, nêu quan điểm, thách thức và cũng là cản trở lớn nhất với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là ở con người - đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc này đã nói từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa giải quyết một cách căn bản để nâng tầm, chất lượng đội ngũ cán bộ lên.

"Chúng ta nhập lại mà không làm tốt việc này hơn thì tôi nghĩ là cái chúng ta mong muốn, mục đích là tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả khó đạt được", Tiến sỹ Hòa nêu rõ.

Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh VOV.vn.
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng. Ảnh VOV.vn.

Về vấn đề chọn bộ trưởng khi sáp nhập 2 bộ, Tiến sỹ Hòa thông tin: Vấn đề cán bộ, Trung ương, Bộ Chính trị đã có tiêu chuẩn, điều kiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, năng lực hoạch định thể chế, chính sách phải được ưu tiên hàng đầu.

"Chúng ta hình dung, các bộ mới nhập lại rất nhiều ngành, lĩnh vực. Cụ thể, nông nghiệp và nông thôn đã đa ngành đa lĩnh vực, giờ lại sáp nhập với tài nguyên và môi trường, lại càng nhiều ngành lĩnh vực hơn. Bây giờ chọn 1 bộ trưởng am hiểu tất cả lĩnh vực là không thể, mà nên nhìn vào năng lực hoạch định chính sách", Tiến sỹ Hòa nêu ý kiến.

Theo Tiến sỹ Hòa, các bộ sáp nhập thì cán bộ sẽ dôi ra nhiều. Hai bộ nhập lại, mỗi bộ 5 thứ trưởng, tổng cộng 10 thứ trưởng. Bộ mới thì tối đa cũng chỉ 5 thứ trưởng. Thời gian đầu có thể có 7 - 8 thứ trưởng. Rồi xuống dưới là các cục trưởng, vụ trưởng…

Tiến sỹ
Tiến sỹ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, trao đổi tại tọa đàm. Ảnh Đình Huy.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng phân tích: Khoảng 20 năm qua, chúng ta đã trải qua nhiều lần tinh gọn bộ máy nhưng điểm khác biệt quan trọng trong lần tinh gọn bộ máy hiện nay nằm ở ba yếu tố chính:

Một là quyết tâm chính trị mạnh mẽ và toàn diện hơn. Trong quá khứ, các nỗ lực tinh gọn bộ máy thường diễn ra rải rác, tập trung vào một số lĩnh vực hoặc cấp bậc cụ thể. Tuy nhiên, lần này, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương và các chỉ đạo liên quan của Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định đây là một “cuộc cách mạng” toàn diện.

Điều này thể hiện sự quyết tâm chính trị cao nhất, với yêu cầu sắp xếp lại tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Tinh thần không chỉ là "giảm biên chế", mà còn hướng đến việc tái cấu trúc toàn diện chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hiệu lực và hiệu quả của bộ máy.

Hai là phương pháp tiếp cận đồng bộ và chiến lược. Lần này, tinh gọn không chỉ là giảm số lượng mà còn tập trung vào cải cách chức năng, nhiệm vụ chồng chéo. Các cơ quan có chức năng tương tự sẽ được sáp nhập, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc".

Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn internet.

Ứng dụng công nghệ số và cải cách hành chính được đẩy mạnh nhằm tự động hóa quy trình làm việc, giảm thiểu phụ thuộc vào con người trong các khâu trung gian. Điều này giúp tạo ra một bộ máy hoạt động tinh gọn hơn mà vẫn đảm bảo hiệu quả.

Ba là gắn với các chỉ tiêu phát triển cụ thể và dài hạn. Lần này, tinh gọn bộ máy được gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và cạnh tranh toàn cầu.

Điều này bao gồm: Thứ nhất, tối ưu hóa chi phí vận hành của Nhà nước để giảm gánh nặng ngân sách; Thứ hai, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; Thứ ba, đây là lần đầu tiên, việc tinh gọn được đặt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, hướng đến việc xây dựng một hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, minh bạch, hiệu quả.

Tóm lại, lần tinh gọn này không chỉ khác biệt về quy mô và cách tiếp cận, mà còn ở tư duy chiến lược lâu dài. Từ chỗ “giảm tải” thành “tái thiết”, chúng ta đang hướng tới một hệ thống chính trị không chỉ gọn nhẹ mà còn vận hành hiệu quả, phù hợp với xu hướng quản trị tiên tiến của thế giới.

PV/VOV.vn