Sự bùng nổ của mua sắm online
Cùng với sự tăng trưởng của doanh số ngành thương mại điện tử, người mua hàng online cũng ngày càng chịu chi hơn khi mua sắm, theo nghiên cứu của Ecommerce Foundation. Nếu vào năm 2014, con số trung bình dành cho việc mua sắm trên các trang thương mại điện tử là 1.228 USD/người/năm, thì tới năm 2017, nó đã tăng lên thành 1.425 USD, tăng 7,4% so với năm 2016.
Các điều kiện dường như đều đã đến lúc chín muồi với những thương hiệu được tin dùng trên thị trường. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng, chỉ cần duy trì công việc kinh doanh như thường lệ là đã đủ. Và, có 3 xu hướng thương mại điện tử đáng chú ý trong năm 2019 mà các doanh nghiệp cần biết để có thể "đi tắt đón đầu".
Chưa bao giờ cuộc chạy đua thương mại điện tử tại Việt Nam khốc liệt như bây giờ
Còn theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thị trường thương mại điện tử những năm gần đây đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình mỗi năm 20%, cá biệt năm 2017 tăng tới 25%. Sự bùng nổ của mua sắm online trong kỷ nguyên Internet và smartphone là nguyên nhân chủ yếu khiến thương mại điện tử có được sự tăng trưởng mạnh mẽ này.
Theo báo cáo nghiên cứu nửa đầu năm 2018 của Appota, tỉ lệ sở hữu điện thoại thông minh của người dân Việt Nam hiện tại lên tới 72%, trong đó tỉ lệ hành vi dùng điện thoại để mua sắm mỗi ngày là 50%. Với tính chất là xã hội tiêu dùng tiền mặt, nhưng hơn 54% người dân Việt Nam được hỏi đều đã làm thẻ ngân hàng, nghĩa là cuộc cạnh tranh của mua hàng truyền thống – hiện đại đang nghiêng hẳn về xu thế thời đại mới.
Cuộc đua của các “ông lớn” sàn TMĐT
Ở Việt Nam, Shopee và Lazada đặt trụ sở chính cùng chung cao ốc văn phòng hạng A tại trung tâm quận 1, TP HCM. Bằng một cách ngẫu nhiên nào đó, nhân viên của họ vào văn phòng bằng hai lối khác nhau.
Dù khác lối đi, cuộc đối đầu "tám lạng, nửa cân" hai đại gia ngoại tại đây không phải sự tình cờ, mà là một phần trong cuộc tranh giành thị phần tại Đông Nam Á đang hồi kịch tính.
Quý I/2018, Lazada là trang thương mại điện tử dẫn đầu Việt Nam về lượng truy cập tại hàng tháng (MAU), với gần 42,5 triệu. Tuy nhiên, tình thế đảo ngược vào quý I/2019, Shopee vươn lên thống lĩnh với 40,7 triệu MAU trong khi Lazada xuống hạng 3, chỉ còn 29 triệu, theo dữ liệu của Iprice. Thực tế, Lazada đã rời bỏ ngôi vị kể từ quý III/2018.
Về nền tảng, Lazada đi theo hướng mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) với các chương trình livestream của nghệ sỹ, người nổi tiếng và các minigame. Tính năng tìm kiếm sản phẩm bằng hình ảnh được triển khai với tuyên bố có 500.000 khách hàng tại khu vực sử dụng hàng ngày. Sang năm 2019, Lazada công bố hoàn tất việc tích hợp cơ sở hạ tầng công nghệ từ Alibaba.
Trong khi đó, Shopee "câu kéo" người dùng bằng chiến lược phát triển ứng dụng riêng cho mỗi nước. "Đây là một phần trong chiến lược tập trung vào cách tiếp cận địa phương hóa cao cho từng thị trường. Chiến lược này hiệu quả khi Shopee vẫn là một trong những tên tuổi trẻ nhất, nhanh chóng vươn lên kể từ khi thành lập năm 2015", Jacob Wolinsky - Nhà sáng lập kiêm CEO ValueWalk nhận định trong bài phân tích gần đây.
Trang Nguyễn