Báo cáo cho biết, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Thừa Thiên Huế đã từng bước khẳng định là trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học - công nghệ của miền Trung và cả nước.
Đẩy mạnh quy hoạch, định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009-2018 là 7,16%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỷ đồng lên 32.749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần (theo giá so sánh 2010). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.794 USD tăng 2,24 lần so với năm 2009, dự kiến năm 2020 là 2000 USD/người.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng từ 45,9% năm 2009 lên 54,6% năm 2018; tương ứng với lĩnh vực công nghiệp giảm từ 37,6% xuống 34,1%; nông nghiệp giảm 16,5% xuống 11,3%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 37% năm 2009 lên 62% năm 2018
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì mục tiêu cơ bản đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện được. Thu ngân sách nhà nước còn thấp, ngành du lịch - dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước...
Hoạt động thương mại- du lịch chưa xứng tầm
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế cần tổng kết và đánh giá kết luận 48 triển khai thực hiện 10 năm qua khách quan, cầu thị, thẳng thắn, thực chất. Đặc biệt, rút ra được những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Hạ tầng còn yếu kém- Cồn Hến (Huế) như vùng sâu, vùng xa
Đồng chí Nguyễn Văn Bình còn cho rằng cần có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” giúp tỉnh Thừa Thiên Huế xác định lại những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh trong bối cảnh mới có rất nhiều thay đổi ở cả trong và ngoài nước …
Cầu Phú Lưu (Huế)- Hạ tầng giao thông chưa được quan tâm
Đưa ra tầm nhìn, mục tiêu và những giải pháp mang tính khát vọng hơn, đột phá hơn, thu hút được nhiều nguồn lực hơn, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, bao trùm hơn, góp phần đưa sự phát triển về kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đáp ứng được khát vọng về một thành phố Di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại, ngang tầm với các thành phố hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Trần Minh Tích