Trụ sở FED ở Washington, DC, Mỹ (Ảnh: THX/TTXVN)

Trụ sở FED ở Washington, DC, Mỹ (Ảnh: THX/TTXVN)

Kể từ khi công bố đợt hạ lãi suất đầu tiên trong hơn 10 năm vào mùa hè vừa rồi, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát đi tín hiệu rằng ngân hàng này sẽ còn tiếp tục cắt giảm lãi suất hơn nữa. Trong các bài phát biểu và những lần xuất hiện trước công chúng, ông Powell đã từng hứa hẹn Fed sẽ "hành động phù hợp" để duy trì đà tăng trưởng hiện tại của kinh tế Mỹ.

Dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong "thể trạng tốt", song ông Powell vẫn cảnh báo những “nguy cơ lớn” đối với triển vọng tăng trưởng đang ngày càng suy yếu. Đó là tình trạng lạm phát ở mức thấp dai dẳng và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.

Phần lớn các thị trường đang dự đoán rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9 tới sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, và có khả năng sẽ tiếp tục đưa ra thêm một đợt hạ lãi suất nữa trước cuối năm nay.

Thậm chí, bà Kathy Bostjancic, chuyên gia cấp cao của Oxford Economics, dự đoán sẽ có 3 đợt hạ lãi suất nữa trong năm nay, có nghĩa là Fed sẽ giảm lãi suất tại mỗi cuộc họp chính sách còn lại trong năm 2019.

Tuy nhiên, "bầu trời" chưa hẳn đang sụp đổ với kinh tế Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp đã ở hoặc gần mức thấp lịch sử trong suốt cả một năm rưỡi qua. Chi tiêu tiêu dùng và lạm phát vẫn ổn định. Tiền lương đang tăng lên. Tăng trưởng việc làm vẫn đều đặn. GDP dường như vẫn đang tăng trưởng, niềm tin kinh doanh và tiêu dùng có yếu đi nhưng vẫn ở mức cao.

Vậy điều gì đang khiến nhiều người lo lắng đến vậy? Đầu tiên, điều duy nhất đang duy trì đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ tại thời điểm hiện tại là hoạt động chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm 2/3 GDP của nước này. Nhưng nếu chờ đến lúc nó bắt đầu yếu đi thì sẽ là quá muộn, vì lúc đó nền kinh tế đã bắt đầu suy thoái.  

Dù vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, nhưng hoạt động tuyển dụng đã chậm lại. Hoạt động đầu tư kinh doanh yếu, trong khi xuất khẩu đang suy giảm. Và hoạt động chế tạo cũng không khá hơn khi kinh tế toàn cầu đang giảm tốc.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump thậm chí còn “đổ thêm dầu vào lửa” với cuộc chiến thương mại mà ông khơi mào 18 tháng trước với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc. Thuế quan tăng và tình trạng bất ổn xung quanh cuộc chiến này không còn là một mối nguy mà đã thực sự gây tổn thương cho nền kinh tế. Trong đó, theo một ước tính, kinh tế Mỹ đã mất đi khoảng 11.000 việc làm chỉ trong tháng 8.

Bắc Kinh và Washington gần đây đã có những động thái mang tính nhượng bộ, khiến thị trường ngày càng kỳ vọng về một cái kết “có hậu”, hay ít nhất là một thỏa thuận đình chiến. Nhưng những tín hiệu tốt lành này có nguy cơ sẽ không kéo dài, khi mà các thỏa thuận "đình chiến" đạt được hồi tháng 12 năm ngoái và tháng 6 năm nay đều không được dài lâu.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Fed còn đang chịu áp lực từ những chỉ trích chưa từng có tiền lệ từ Tổng thống Mỹ Trump. Theo một phân tích của hãng tin AFP, kể từ cuộc họp chính sách gần đây nhất của Fed hồi cuối tháng 7, trung bình cứ 22 giờ đồng hồ, vị tổng thống này lại có một bài đăng phàn nàn hay chỉ trích Fed trên trang Twitter cá nhân của mình.

Dù ca ngợi sức mạnh của kinh tế Mỹ, Tổng thống Trump vẫn yêu cầu Fed có các biện pháp kích thích ngay lập tức theo cách mà ngân hàng này vẫn dùng để đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong đó, ông kêu gọi hạ lãi suất về 0 hoặc thấp hơn.

Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, phần lớn các chuyên gia cho rằng nếu được đưa ra thì quyết định hạ lãi suất của Fed cũng không phải là do những chỉ trích của Tổng thống Trump đối với ngân hàng này.

Ông James Orlando, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty TD Economics, nhận định môi trường chính trị đang gây ra nhiều nguy cơ cho triển vọng kinh tế Mỹ, đồng thời cho rằng Fed hạ lãi suất là để ứng phó với tình hình này, chứ không phải vì những chỉ trích của Tổng thống Trump.

Theo TTXVN