Sáng 19/08, Sở TNMT TP.Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về hội thảo và triển lãm quốc tế về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam vào ngày 25, 26/08.
Theo báo cáo của Bộ TN-MT, giai đoạn 2016-2020, chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị tăng từ 10-16%. Khối lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối lượng chất thải rác phát sinh trên cả nước. Chất thải rắn sau khi thu gom được xử lý chủ yếu bằng các phương pháp: 71% khối lượng chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 16% khối lượng chất thải rắn được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% khối lượng chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp đốt.
Thực tế hiện nay cho thấy công nghệ sử dụng trong các phương pháp nói trên nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.
Trước thực tế đó, hội thảo và triển lãm tại TP.Đà Nẵng sẽ giới thiệu, quảng bá các giải pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại các đô thị.
Sự kiện thu hút sự tham dự với hơn 2.000 khách mời là đại diện lãnh đạo Bộ TN-MT và các cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế; hơn 20 diễn giả là các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
Quy mô triển lãm gồm trên 35 gian hàng trưng bày các thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đô thị hiện đại của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước gồm: Các sa bàn điển hình khu xử lý, trạm trung chuyển, xử lý phân bùn bể phốt; các chủng loại thiết bị xe chuyên dùng vận chuyển rác; máy xử lý rác và xe đẩy thu gom có trợ lực cho công nhân dung tích 1.000 lít và thùng đựng rác sau khi đã cho phân loại; hệ thống hấp chất thải y tế công suất 1.000 kg/ngày; các sản phẩm vi sinh thân thiện môi trường của các công ty nổi tiếng trên thế giới.
Đây cũng là cơ hội để TP. Đà Nẵng tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn, góp phần triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”.
Trước đó, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng mới đây, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, thành phố đã dừng phương án đầu tư nhà máy rác theo hình thức PPP vì gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục. Trong khi đó, bãi rác Khánh Sơn vẫn đang là điểm nóng về môi trường của thành phố.
Hữu Hoàng