

Sau 02 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngành giáo dục TP. Đà Nẵng bước vào năm học 2022-2023 với một tâm thế mới, được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông.
Trong 02 năm học vừa qua, lễ khai giảng được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Lứa học sinh năm nay lên lớp 03 vẫn chưa có ký ức nào về một ngày khai giảng trực tiếp với không khí náo nức, hân hoan cùng thầy cô và bạn bè để bắt đầu một năm học.
Mùa khai giảng năm nay, các trường học ở TP. Đà Nẵng đều chủ trương tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ nhưng vẫn tạo được không khí vui tươi, phấn khởi, trong đó, học sinh phải là nhân vật trung tâm của ngày hội đến trường.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2022-2023. Đây là năm học thứ 03, TP. Đà Nẵng triển khai chính sách này. Nếu tính theo mức học phí cũ với trẻ mầm non và học sinh phổ thông, thì bình quân mỗi năm thành phố hỗ trợ khoảng 92 tỷ đồng. Nhưng nếu tính theo mức mới của Nghị định 81 thì số tiền hỗ trợ bình quân là 450 tỷ đồng, tăng gấp 05 lần.

Thành phố cũng hỗ trợ gần 4,7 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho gần 13 nghìn học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo và học sinh mồ côi do Covid-19 đang học tại các trường phổ thông công lập và ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên trong năm học 2022-2023.
Ngành GD&ĐT cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài trường học, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo đầy đủ các điều kiện cơ bản cho các em trước khi bước vào năm học mới như: Sách giáo khoa, đồ dụng học tập, áo quần, phương tiện đi lại… Đây là nguồn động viên, hỗ trợ để đảm bảo mọi học sinh đều được đến trường, không vì điều kiện kinh tế quá khó khăn mà bỏ học giữa chừng.



UBND TP. Đà Nẵng vừa bàn giao khu đất nằm ở vị trí trung tâm của quận Thanh Khê với diện tích gần 16.000m2 để xây dựng trường học và các hạng mục khác. Với 02 khu đất này, sẽ xây dựng trường mới cho Trường Mầm non Hải Đường và Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm thay thế cho các cơ sở hiện trạng đã xuống cấp. Do ảnh hưởng của quá trình chỉnh trang đô thị, hiện diện tích đất của Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm bị thu hẹp, không đủ 6m2/học sinh theo quy định. Trường Mầm non Hải Đường đang có 02 cơ sở, diện tích nhỏ hẹp và cơ sở vật chất đều đã xuống cấp. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng đã di dời trụ sở của Hội Nông dân thành phố để lấy đất với diện tích khoảng 2.000m2 để xây dựng cơ sở mới cho Trường Tiểu học Trần Cao Vân.
"Các quận, huyện đều có những biện pháp để ưu tiên quỹ đất cho xây dựng, đầu tư trường lớp theo hướng đồng bộ, khang trang và hiện đại. Đơn cử như quận Thanh Khê đã chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non nhỏ lẻ, rà soát quỹ đất, chọn các khu đất còn trống, đất giải tỏa, hoán đổi đất cho các hộ dân để mở rộng, nâng cấp các trường mầm non, tiểu học và THCS. Hay quận Liên Chiểu, nơi có tỉ lệ học sinh tiểu học học 02 buổi/ngày mới chỉ đạt 75%, thấp nhất của thành phố thì UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường rà soát, thu hồi các khu đất sắp hết thời hạn cho thuê trên địa bàn quận để đầu tư xây dựng bổ sung các trường học" - Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết.
- Một số hình ảnh của Phóng viên Thương hiệu & Công luận ghi lại ngày khai giảng một số trường trên địa bàn TP. Đà Nẵng:







Hoàng Hữu Quyết