Đà Nẵng: Thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10, nhiều ý kiến trái chiều - Hình 1

Học sinh Đà Nẵng thi hai môn Toán, Ngữ văn tuyển sinh vào lóp 10.

Theo đó, UBND TP. Đà Nẵng thống nhất đề xuất của Sở GD-ĐT thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10, năm học 2019 - 2020 với phương thức tuyển sinh kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Trong đó, môn thi tuyển là Toán và Ngữ văn, không có môn Ngoại ngữ khiến nhiều phụ huynh lo lắng và bức xúc. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều ý kiến ủng hộ vì đảm bảo được tính công bằng trong thi cử.

Vì sao nhiều phụ huynh lo lắng và bức xúc?

Trước đó, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2377/QĐ-SGDĐT “về việc ban hành Quy định tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2019-2020” và Quyết định số 2378/QĐ-SGDĐT “về việc ban hành Quy định tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2019-2020”, trong đó với tuyển sinh lớp 10 sẽ thi 3 môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Theo quyết định này, học sinh THCS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi môn Ngoại ngữ và được quy đổi thành điểm 9 hoặc 10.

Chính vì thế, thời gian qua, hàng ngàn phụ huynh đăng ký cho con học ngoại ngữ và đăng ký dự thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ để được quy đổi miễn thi môn này. Theo phụ huynh, việc Đà Nẵng bỏ thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 là đồng nghĩa với việc không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ mà con họ mất công học và thi trong thời gian qua.

Đà Nẵng: Thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10, nhiều ý kiến trái chiều - Hình 2

UBND TP. Đà Nẵng nói gì?

Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ việc UBND TP Đà Nẵng thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2019-2020 vì như thế mới đảm bảo được công bằng trong thi cử, công bằng xã hội. Bởi lẽ, nếu như áp dụng quy định quy đổi điểm 9, điểm 10 môn ngoại ngữ cho 2.312 học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thì đồng nghĩa với việc gây bất lợi cho hơn 11.000 học sinh còn lại. Nhiều phụ huynh cũng cho rằng, trong thi cử thì cần thiết phải bình đẳng chứ không thể áp dụng điểm ưu tiên vì "điểm cộng" cho người này thì sẽ là "điểm mất" cho người khác.

 Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng cho rằng, đây là việc làm cần thiết để đảm bảo tính công bằng trong thi cử mà xã hội đòi hỏi. Trao đổi với PV TH&CL, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng cho biết, qua thực tế triển khai công tác tuyển sinh và rà soát quy trình ban hành các văn bản theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở GD-ĐT nhận thấy việc ban hành Quyết định số 2377/QĐ-SGDĐT trước đó có một số vấn đề vướng mắc, chưa phù hợp, chưa đầy đủ theo chỉ đạo của UBND thành phố về việc hoàn chỉnh quy định tuyển sinh, như: (1) Học sinh THCS có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị sử dụng đến ngày thi (2-6-2019) được miễn thi môn ngoại ngữ (hệ số 1) và được quy đổi thành điểm 9 hoặc 10; (2) Điểm ưu đãi đối với học sinh đăng ký nguyện vọng 1 dự tuyển vào các trường THPT theo đúng địa bàn đang học THCS.

Qua theo dõi việc ban hành các quyết định trên, Sở GD-ĐT nhận được nhiều ý kiến chưa đồng tình về cách quy đổi điểm và cộng điểm ưu đãi vì sẽ gây mất công bằng. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã tổng hợp tình hình, báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của lãnh đạo UBND thành phố, Sở GD-ĐT tiến hành rà soát các quy định về công tác tuyển sinh và ban hành Quyết định số 614/QĐ-SGDĐT ngày 15-5-2019 “về việc ban hành Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT và tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2019-2020” để thay thế Quyết định số 2377/QĐ-SGDĐT và Quyết định số 2378/QĐ-SGDĐT.

Kế hoạch tuyển sinh được ban hành theo Quyết định số 614/QĐ-SGDĐT hạn chế tối đa ảnh hưởng không tốt đến việc ôn tập và thi tuyển của học sinh. Trong đó, có thay đổi một số điểm nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan cho học sinh trong thi tuyển.

Đối với tuyển sinh lớp 10 THPT, học sinh thi 2 môn Ngữ văn và Toán. Do không thi môn Ngoại ngữ nên không áp dụng quy đổi điểm đối với các chứng chỉ ngoại ngữ; không tính điểm ưu đãi đối với học sinh đăng kí nguyện vọng 1 dự tuyển vào các trường THPT theo đúng địa bàn đang học THCS.

Đối với Tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, học sinh thi 3 môn: Ngữ văn, Toán (cùng với kỳ thi Tuyển sinh lớp 10 THPT) và môn chuyên ngành.

Để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, Sở GD-ĐT thống nhất học sinh được thay đổi nguyện vọng đăng ký thi tuyển vào các trường THPT 2 lần: lần 1 từ ngày 14-5-2019 đến 17 giờ 00 ngày 18-5-2019; lần 2 là sau khi Sở GD-ĐT gửi thống kê thay đổi nguyện vọng lần 1 (ngày 19-5-2019), các trường THCS tiếp tục cho học sinh cân nhắc, đăng ký thay đổi nguyện vọng lần 2 (nếu có) đến 17 giờ 00 ngày 22-5-2019.

Ngay sau khi kết thúc kỳ tuyển sinh lớp 10 THPT và tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác tuyển sinh năm học 2019-2020, báo cáo UBND thành phố và sớm nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh cho năm học 2020-2021.

Trao đổi với PV TH&CL, bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP. Đà Nẵng cho biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có 13.227 học sinh đăng ký nguyện vọng 1, 12.497 học sinh đăng ký nguyện vọng 2, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT chỉ 9.440 học sinh cho 236 lớp của 20 trường THPT công lập trên địa bàn Đà Nẵng. Trong tổng số đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm nay, chỉ có khoảng 2.312 học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi môn ngoại ngữ.

Như vậy, nếu áp dụng quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ như Quyết định 2377/QĐ-SGDĐT đồng nghĩa với gây mất công bằng đối với hơn 11.000 em học sinh còn lại. Không chỉ vậy, việc quy đổi điểm này là làm trái với quy định tại Thông tư 05, ngày 28-2-2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 2, Khoản 2 Điều 4, điểm d Khoản 1 và đoạn đầu Khoản 2 Điều 7 của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT.

Trao đổi với PV TH&CL, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, để đi đi đến quyết định thay đổi Quy định tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2019-2020, UBND TP .Đà Nẵng đã trao đổi với Bộ GD-ĐT và Bộ GD-ĐT yêu cầu phải thực hiện cho đúng. Việc này cũng đã được đưa ra họp với Ban cán sự Đảng UBND thành phố để đi đến quyết định này. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo tính công bằng trong thi cử mà xã hội đòi hỏi.

 PV (tại Đà Nẵng)