Ngày 13/9, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin, Đà Nẵng đang hợp tác với 45 quốc gia, địa phương và vùng lãnh thổ. Trong đó, đã thiết lập quan hệ hợp tác với 4 địa phương của Hàn Quốc.
Mới đây nhất, đoàn công tác của lãnh đạo thành phố có chuyến thăm tại Hàn Quốc vào đầu tháng 7 vừa qua để tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của hai bên.
Có thể nói, Đà Nẵng là địa điểm du lịch được nhiều người Hàn Quốc lựa chọn và du khách Hàn Quốc cũng nằm trong nhóm dẫn đầu du khách quốc tế tới TP.Đà Nẵng (chiếm 43% qua 7 tháng năm 2024).
Hàn Quốc xếp thứ 5 về số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại TP.Đà Nẵng với 278 dự án và số vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 371 triệu USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại TP.Đà Nẵng.
Theo lĩnh vực đầu tư, các dự án đầu tư của Hàn Quốc tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp với 26 dự án và 166 triệu USD, chiếm gần 45% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại TP.Đà Nẵng. Theo sau là dịch vụ với 237 dự án và 115 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 30% tổng vốn đầu tư.
Thông tin về Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH16 ngày 26-6-2024 về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Trong đó, Quốc hội cho phép TP.Đà Nẵng triển khai thí điểm khu thương mại tự do và là địa phương đầu tiên của cả nước được cho phép thực hiện.
Dự kiến Khu Thương mại tự do TP.Đà Nẵng sẽ có 3 phân khu là phân khu logistics gắn với cảng biển Liên Chiểu, phân khu sản xuất gắn với khu công nghệ cao và phân khu dịch vụ thương mại. Thành phố đang xác định một số địa điểm phù hợp để làm các phân khu.
Bà Park Hakhee, Giám đốc Đổi mới sáng tạo, Ban Quản lý các Khu thương mại tự do (Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc) cho biết, Hàn Quốc đang phát triển 2 mô hình khu thương mại tự do phân loại theo mục đích.
Cụ thể: Phát triển kinh tế địa phương hoặc thu hút nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Mô hình khu thương mại tự do phát triển kinh tế địa phương tiêu biểu là Khu thương mại tự do Masan với lịch sử hình thành là khu chế xuất vào những năm 1970 và chuyển đổi mô hình thành khu thương mại tự do sau năm 2000.
Mô hình thu hút nhà đầu tư FDI tiêu biểu là Khu thương mại tự do Incheon, thành lập vào năm 2003. Quy mô diện tích Khu thương mại tự do Incheon lớn hơn Masan gần 10 lần.
Mô hình phát triển kinh tế địa phương sẽ miễn thuế hoàn toàn cho doanh nghiệp địa phương và đất sản xuất sẽ do Chính phủ quy hoạch và người dân thuê lại. Mô hình thu hút nhà đầu tư FDI chỉ miễn thuế cho nhà đầu tư 5 năm.
Thời gian cấp phép cho các nhà đầu tư hạ tầng Khu thương mại tự do khoảng 50-100 năm. Cơ sở hạ tầng cơ bản sẽ do Nhà nước đầu tư, còn các nhà máy sẽ do doanh nghiệp tự đầu tư.
Bà Park Hakhee khuyến nghị TP.Đà Nẵng có thể tham khảo cả 2 mô hình để có lựa chọn định hướng phát triển khu thương mại tự do phù hợp.
Thời gian tới, Ban Quản lý các Khu thương mại tự do Hàn Quốc nói riêng và Hàn Quốc nói chung, sẵn sàng đồng hành cùng thành phố để phát triển Khu thương mại tự do tại TP.Đà Nẵng.
Các công tác chuẩn bị đang được triển khai khẩn trương và nhanh chóng để ngay sau khi Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội có hiệu lực, thành phố có đủ điều kiện thành lập, mời gọi và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực xây dựng và phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Hoàng Hữu Quyết