Ga Đà Nẵng đang được lên phương án di dời
Ngày 18/10, Văn phòng HĐND TP. Đà Nẵng cho biết, một trong những vấn đề sẽ được đưa ra bàn luận trong kỳ họp bất thường lần thứ 8 diễn ra ngày 19/10 sắp tới liên quan đến dự án Di dời Đường sắt ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. BQL dự án Đường sắt đang rà soát, đề xuất tính toán phương án đầu tư của tư vấn để báo cáo Bộ GTVT trong tháng 10/2018 xem xét, làm việc với UBND TP. Đà Nẵng thống nhất báo cáo của Thủ tướng Chính phủ.
Nhằm sớm triển khai các thủ tục liên quan để đẩy nhanh dự án, sở Giao thông và Vận tải đã chủ động mời BQL dự án Đường sắt làm việc để hoàn chỉnh phương án đầu tư. Theo đó, các bên liên quan thống nhất đề xuất 2 phương án.
Phương án thứ nhất: Đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp doanh nghiệp đầu tư, trong đó, phần ngân sách trung ương là 2.115 tỷ đồng. Đối với phần ngân sách Trung ương đề nghị đưa vào danh mục dự án cấp bách sử dụng vốn dự phòng ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 – 2020.
Phương án thứ hai: Đầu tư từ nguồn vốn hợp tác kinh doanh, vốn của khu vực tư nhân và nguồn thu thông qua khai thác quỹ đất toàn bộ nhà ga cũ. Trong đó, kêu gọi tư nhân đầu tư không tính lãi và thanh toán bằng nguồn khai thác quỹ đất, phần còn lại sẽ được thanh toán từ nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2021 – 2025.
Dự án di dời đường sắt là dự án lớn, đặc biệt quan trọng, được người dân tại TP. Đà Nẵng rất quan tâm. Trước đó, ngày 25/9/2017, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã thống nhất về dự án và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, cho phân kỳ đầu tư thực hiện trước giai đoạn 1 của dự án với kinh phí 3.393 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ thực hiện khi Nhà nước cân đối được nguồn vốn.
Hình thức và nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 là đầu tư công kết hợp doanh nghiệp tự đầu tư, trong đó, TP.Đà Nẵng góp vốn 1.192 tỷ đồng thông qua khai thác quỹ đất toàn bộ khu vực nhà ga cũ. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự đầu tư 86 tỷ đồng không thông qua hình thức hợp tác kinh doanh. Ngân sách Trung ương bố trí 2.115 tỷ đồng.
Đầu 2018, Văn phòng Chính phủ có công văn, trong đó Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo giao Bộ GTVT phối hợp bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các bộ liên quan thống nhất về nguồn vốn để thực hiện di dời ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Sau đó, Bộ GTVT cũng có công văn giao BQL dự án Đường sắt phối hợp cùng sở, ban, ngành của TP. Đà Nẵng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng, nghiên cứu hoàn chỉnh phương án đầu tư, thống nhất về nguồn vốn để thực hiện dự án.
Hữu Văn