Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Trong vòng 16 ngày qua, thành phố đã đạt được mục đích quan trọng, là cắt đứt được nguồn lây trên phạm vi toàn TP. Đà Nẵng. Mặc dù vẫn còn điểm này, điểm kia nhưng chỉ trong phạm vi hẹp, trong một khu vực đang kiểm soát được.
“Thành phố cơ bản đã bóc F0 ra khỏi cộng đồng để không lây nhiễm sâu vào trong cộng đồng”, ông Quảng nói.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nếu thành phố không áp dụng những biện pháp mạnh thì số lượng F0 trong cộng đồng sẽ tăng lên rất cao. Nếu chậm 1 tuần thì con số này sẽ là con số nhân. Hiện ngành y tế vẫn đủ sức cách ly, điều trị F0. Trong khi đó, số ca tử vong chỉ khoảng ở 0,06%, so với số liệu mặt bằng chung thì tỷ lệ tử vong ở thành phố Đà Nẵng là rất thấp.
Có được kết quả bước đầu, ông Quảng cho rằng, thành phố đã đánh giá đúng tình hình, quyết định được các biện pháp mạnh, đúng thời điểm. Quá trình triển khai thực hiện có được sự thống nhất cao về tổ chức thực hiện từ thành phố đến cấp cơ sở. Đặc biệt, nhờ tuyến cơ sở và ban điều hành khu dân cư đã linh hoạt, chủ động cũng như sự vào cuộc quyết liệt của tất cả lực lượng, không chỉ là tuyến đầu. Bên cạnh đó, thành phố có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Xác định tinh thần trong thời gian tới là “sống chung với dịch”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh: Bài học kinh nghiệm là chỉ có biện pháp ngày càng cao hơn chứ không thể có biện pháp ngày càng thấp hơn. “Trạng thái của chúng ta là luôn luôn sống cùng với dịch, chứ không thể nói rằng chúng ta ngăn chặn được nó”, ông Quảng nói.
Định hướng mục tiêu sau ngày 5/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu “phải giữ được thành quả 20 ngày” vì đã bỏ ra công sức, tiền bạc, thời gian rất lớn. Phải để người dân chủ động hơn, người dân phải tự giác hơn trong công tác phòng, chống dịch. Do đó, việc phân ra các vùng đỏ, vàng, xanh là để người dân tự bảo vệ chính mình. Từ đó, có những biện pháp ở những mức độ khác nhau để phòng chống dịch.
Thành phố Đà Nẵng vẫn còn nhiều nguồn lây nhiễm, bao gồm: Ca bệnh trong cộng đồng; nguy cơ lọt ra từ khu phong tỏa và các kiệt, hẻm; nguy cơ từ số người sau cách ly 14 ngày; nguồn lây từ đầu mối đưa hàng hóa vào như: Chợ, cảng cá; lái xe về từ vùng dịch. Ngành y tế cần tham mưu ngăn chặn các nguồn lây này để bảo vệ thành quả. Bởi, khả năng dịch có thể bùng lên bất cứ lúc nào.
Lãnh đạo Thành uỷ giao Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố quyết định các hoạt động cụ thể và tỉ lệ người được tham gia các hoạt động. Bổ sung các hoạt động xác đáng được phép như: Nông dân đi thu hoạch, người cắt cây xanh… Đồng thời, cần cho người dân đi chợ ở mức độ nhất định vì TP không thể cung ứng mãi được. Thành phố chưa cho mở lại chợ truyền thống, nhưng sẽ giữ nguyên mô hình các điểm bán hàng, tăng thêm mặt hàng. Người dân sẽ đi ra điểm bán hàng để mua hàng.
Phát biểu trong buổi họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tối cùng ngày, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng cho rằng, thành phố cần phải chậm lại trong việc mở các chợ truyền thống, chợ đầu mối, cảng cá Thọ Quang.
Rút ra bài học sau 20 ngày thành phố Đà Nẵng phong tỏa
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu, BCĐ phải có tổng kết đánh giá, để rút ra bài học kinh nghiệm trên tất cả các mặt công tác sau ngày 5.9, tức sau 20 ngày Đà Nẵng phong tỏa. Ông Quảng cho rằng 20 ngày qua, bên cạnh những cái đạt được thì còn những hạn chế. “Ví dụ công tác phối hợp giữa các sở ngành, các địa phương “có vấn đề”, chuyện thiếu chủ động của các sở, ngành trong việc giải quyết, hạn chế trong lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cung ứng thực phẩm, công tác truyền thông… Việc đánh giá cần phải đầy đủ và kỹ hơn”, ông Quảng chỉ đạo.
Hoàng Gia Bảo