Đà Nẵng: Xây ga hàng không 15 triệu khách, cảng biển 32.000 tỷ - Hình 1

Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng vừa đưa vào khai thác năm 2017, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, lượng khách đến TP qua đường hàng không đã vượt quy hoạch đến 2020

Ngày 31/10, UBND TP. Đà Nẵng có văn bản đề nghị Bộ GTVT sớm bố trí vốn và thông qua đề cương quy hoạch Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng do Cục Hàng không Việt Nam đệ trình. Văn bản này cũng để nghị Bộ GTVT sớm triển khai thực hiện dự án đầu tư nâng cấp nhà ga hành khách, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 Từ đầu năm 2018, Cục Hàng không Việt Nam đã có chủ trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Đà Nẵng làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư.

Đề cương quy hoạch này đã được báo cáo Bộ GTVT, nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ GTVT phê duyệt và bố trí vốn (kinh phí dự kiến khoảng 3,8 tỷ đồng) nên không có cơ sở triển khai công tác tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch để thực hiện các bước tiếp theo.

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020 lượng hành khách thông qua Cảng HKQT Đà Nẵng đạt 13 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa thông qua là 50.000 tấn; và đến năm 2030 là 28 triệu hành khách/năm, lượng hàng hóa là 200.000 tấn.

Tuy nhiên, những năm gần đây, du lịch thành phố phát triển mạnh, sản lượng khai thác năm 2018 hiện đã đạt 13,3 triệu hành khách/năm, đã sớm vượt công suất theo quy hoạch đến năm 2020.

Đặc biệt, với tình hình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương như hiện nay, tốc độ tăng trưởng hành khách qua Cảng HKQT Đà Nẵng là rất lớn, dự báo từ 10-20%/năm, và năng lực khai thác của cả 2 nhà ga T1, T2 sẽ không thể đáp ứng trong vài năm đến.

Vì vậy, TP. Đà Nẵng cho rằng việc đầu tư nhà ga mới nhà ga hành khách T3 (công suất 10-15 triệu khách/năm) và nâng cấp cơ sở hạ tầng khác là yêu câu rất cần thiết và cấp bách.

Cùng ngày 31/10, UBND TP. Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí 500 tỷ đồng từ nguồn 10% dự phòng để khởi công dự án cảng Liên Chiểu trong năm 2019.

Đà Nẵng: Xây ga hàng không 15 triệu khách, cảng biển 32.000 tỷ - Hình 2

Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng

UBND TP. Đà Nẵng cho hay, khoản kinh phí này sẽ được dùng để triển khai thực hiện các hạng mục gồm: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cung cấp, lắp đặt thiết bị; đường giao thông kết nối cảng; san lấp nền hạ tầng giao thông chung ngoài cảng; hệ thống cấp điện, cấp nước, chiếu sáng đến cảng; công trình bến tạm phục vụ thi công; thực hiện khoảng 35% khối lượng công việc xử lý nền của kè chắn sóng và đê chắn sóng; và các chi phí khác theo quy định.

Đối với số vốn còn lại để hoàn thành Dự án theo quy mô được duyệt, UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo cấp thẩm quyền bố trí vốn cho Dự án trong quá trình xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bộ KH-ĐT xem xét, thống nhất nguồn vốn ngân sách T.Ư chiếm tỷ lệ 87,4% tổng nguồn vốn đầu tư dự án, trong đó bao gồm 500 tỷ đồng đề xuất nêu trên để khởi công dự án trong năm 2019, thực hiện dự án trong giai đoạn 2019-2020 và số vốn còn lại thực hiện trong giai đoạn sau năm 2020.

Ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ 12,6% tổng nguồn vốn đầu tư Dự án, sẽ được bố trí để thực hiện dự án trong giai đoạn sau năm 2020.

Dự kiến, cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỉ đồng.

Hữu Văn