Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Công ty TNHH Mind Group tổ chức triển lãm chuyên đề “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh”. Áo dài từ lâu đã in sâu trong tâm thức người Việt như biểu tượng trường tồn, gói trọn hồn cốt văn hóa dân tộc và gây thương nhớ với bạn bè quốc tế.

Triển lãm “Áo dài phụ nữ Việt Nam đi qua khói lửa chiến tranh” diễn ra từ ngày 12/4 đến hết ngày 4/5/2025 tại Bảo tàng Hà Nội.

Triển lãm trưng bày hơn 100 tài liệu hiện vật, hình ảnh, quý gồm những hình ảnh tà áo dài đã đồng hành cùng những người phụ nữ anh hùng trong chiến đấu trực diện với bom đạn chiến tranh, trong các diễn đàn, hội nghị quốc tế. Các hiện vật gắn liền với nhiều tấm gương phụ nữ anh hùng trong thời chiến như: Nhóm hiện vật của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Quý, những lá đơn tình nguyện ra chiến trường, những lá thư thời chiến hay những kỷ vật nhuốm màu ký ức thời gian…

Hình ảnh được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Hoàng Lân
Hình ảnh được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Hoàng Lân

Triển lãm không chỉ tôn vinh vẻ đẹp văn hóa của tà áo dài mà còn khắc họa chân dung những người mẹ, người chị đã hiến dâng tuổi xuân, trí tuệ và cả sự hy sinh thầm lặng cho đất nước. Mỗi bức ảnh, mỗi hiện vật trưng bày tại đây là một câu chuyện sống động về lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam. Đó là câu chuyện của Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Thị Định; các nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Cúc, Hứa Kim Anh, Võ Thị Bạch Tuyết, Lê Thị Sáu, Trần Thị Lan...

Triển lãm hy vọng sẽ góp phần truyền tải tới công chúng thông điệp: Hãy trân trọng, giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài Việt Nam. Áo dài ngày hôm nay đã, đang và sẽ mãi mãi là một trong những biểu tượng đẹp trong giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện sức sống mãnh liệt, bản lĩnh và tinh thần của dân tộc Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.

Tuấn Ngọc (t/h)