Đầu giờ làm việc chiều 26/10, Trưởng ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam công bố kết quả kiểm phiếu phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.
461/466 đại biểu đồng ý phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Số phiếu dành cho ông Lê Minh Khái là 464/466.
Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể
Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận phê chuẩn việc bổ nhiệm. Chúc mừng 2 thành viên Chính phủ mới, Chủ tịch Quốc hội mong các tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ.
Hai nhân sự được phê chuẩn bổ nhiệm nhận được sự đánh giá cao và nhiều kỳ vọng từ các đại biểu Quốc hội.
Tân Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái
Theo ĐB Hà Sĩ Đồng, ông Nguyễn Văn Thể từng làm thủ trưởng ngành GTVT, hiện nay vấn đề BOT đang gây bức xúc, mất niềm tin trong nhân dân. “Tôi hy vọng trên cương vị mới, Bộ trưởng sẽ rà soát, đánh giá, tham mưu cho Chính phủ để có sự điều chỉnh BOT cho phù hợp, tránh nhà đầu tư BOT thành nhà thầu, dựng các trạm thu phí BOT không đúng quy định”, ĐB Đồng bày tỏ.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, ông có niềm tin vào hai nhân sự mới bởi họ thực sự là nhà chuyên môn, đã được rèn luyện về mặt chính trị, có đủ điều kiện để có thể làm tốt công việc của mình. Còn năng lực thời gian tới thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
ĐB Nhưỡng cũng đồng tình với nhận định, ông Nguyễn Văn Thể từng tham gia chỉ đạo vấn đề BOT. Những hiện trạng đang đặt ra trước mắt sẽ cho tân Bộ trưởng bài học kinh nghiệm để khi ngồi vào ghế nóng sẽ điều hành tốt. Còn trong quá trình đó, Quốc hội sẽ giám sát, Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao.
Còn theo ĐB Bùi Sĩ Lợi, hai nhân sự mới được Trung ương, Chính phủ chuẩn bị rất kỹ, 100% đại biểu đều tán thành với đề xuất của Thủ tướng Chính phủ. Cả hai đều có phẩm chất, năng lực, được đào tạo bài bản, đi theo đúng quy trình, từng giữ vị trí ở trung ương và địa phương, hoàn toàn có đủ điều kiện năng lực để giữ chức vụ Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Chia sẻ về áp lực của tân Bộ trưởng và tân Tổng Thanh tra Chính phủ, ĐB Lợi nói: “Vấn đề BOT là áp lực cho đồng chí Bộ trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày hôm qua. Hy vọng Bộ trưởng quyết tâm xử lý những vướng mắc, vấn đề tồn đọng. Đây là quá khứ, không phải trách nhiệm của bộ trưởng mới trước đây nhưng với quyết tâm chính trị, niềm tin của Quốc hội, mong rằng Bộ trưởng xử lý theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân.
Thanh tra Chính phủ là lĩnh vực rất phức tạp. Đồng chí đương thời xin thôi đó cũng là áp lực công việc. Tôi kỳ vọng đồng chí Tổng thanh tra mới từng làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, sâu sắc về vấn đề tài chính, tiếp tục giữ vững bản lĩnh để làm sao công tác thanh, kiểm tra đạt yêu cầu, tập trung cho công cuộc phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao nhất, lấy lại niềm tin của nhân dân, lấy lại sự công bằng. Đừng để tình trạng như vừa qua, nhiều vụ việc xử lý chưa được đến nơi đến chốn”.
ĐB Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, vai trò của Thanh tra Chính phủ là kiểm soát nhánh hành pháp. Trong hoạt động hành pháp rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, tiêu cực, dễ dẫn đến lạm quyền, trục lợi nên kiểm soát tốt được nội bộ, bên trong cơ quan hành pháp, hệ thống hành chính là vấn đề vô cùng quan trọng.
Theo ĐB Vân, đòi hỏi với tân Tổng thanh tra Chính phủ là một mặt phải kiểm soát tốt tình hình chấp hành pháp luật của cả hệ thống và dựa trên quyền được giao phải xây dựng được kế hoạch, chương trình cả nhiệm kỳ, lựa chọn vấn đề xã hội quan tâm, vấn đề bức xúc mà dư luận đặt ra. Phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra. Chính vì thế, áp lực với tân Tổng Thanh tra trong bối cảnh hiện nay là vô cùng lớn.
Đoàn Huế - Hoan Nguyễn