Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 – 2020, ĐB Nguyễn Quốc Hận nêu vấn đề, mặc dù đã được tập trung chỉ đạo hàng năm, được bố trí hàng nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng tình hình nước biển dâng, sạt lở ở bờ sông, suối, sói lở bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng núi phía Bắc diễn ra hết sức phức tạp.
Tình hình nước biển dâng làm vỡ đê, vỡ bờ bao các diện tích, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản đang diễn ra hàng ngày, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng nghìn hộ nông dân.
Do đó, ĐB Hận “khẩn thiết” đề nghị Chính phủ ưu tiên cao nhất trong phân bổ nguồn dự phòng chung, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016 - 2020, trong đó, sử dụng 10.000 tỷ đồng không bố trí cho dự án chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh để đầu tư cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý sạt lở bờ sông, suối, bờ biển, phòng tránh, khắc phục thiên tai trong phạm vi cả nước.
Đồng thời, dành toàn bộ nguồn vốn ODA cho biến đổi khí hậu, sử dụng đúng mục đích, đúng nguồn để qua đó cho phép tỉnh Cà Mau và một số tỉnh có liên quan được áp dụng cơ chế trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA để đầu tư cho xây dựng đê biển, xây dựng kè, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ, chỗng sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đây là các dự án dân sinh công cộng không có khả năng sinh lời, ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA trong năm 2019.
Về vấn đề phát triển tại địa phương, ĐB Hận đề cập tới câu chuyện của Đạm Cà Mau. Theo ĐB Hận, với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nhiều quốc gia áp dụng giá khí bán cho sản xuất đạm thấp hơn so với bán cho các hộ sản xuất công nghiệp khác như Algeri, Nga, Malaysia.
Quyết định 1218 ngày 10/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án đạm Cà Mau cho phép Tổng công ty Dầu khí Việt Nam tự cân đối giá khí để cung cấp cho nhà máy đạm theo nguyên tắc bán giá khí cho nhà máy đạm thấp hơn các hộ sản xuất công nghiệp khác.
Tuy nhiên, ĐB Hận cho rằng, việc cân đối cung cầu khí tại khu vực Tây Nam Bộ khiến nguồn khí tại khu vực Cà Mau sẽ bị thiếu hụt từ năm 2019. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tính đến phương án mua khí từ Malaysia với giá cao gấp đôi, với giá khí này công ty sẽ thua lỗ khoảng 786 tỷ đồng/năm, khó có khả năng cạnh tranh với các loại phân đạm ngoại và hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất nông nghiệp nước ta.
“Tôi kiến nghị Chính phủ nhanh chóng triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn để từ đó cung cấp lượng khí thiếu hụt cho nhà máy Đạm Cà Mau và các nhà máy điện trong khu vực. Hai là, xem xét phân bổ nguồn khí giá rẻ cho nhà máy đạm Cà Mau từ nguồn BM3CAA để vận hành 100% công suất trong giai đoạn 2019-2023”, ĐB Hận bày tỏ.
Thái Bình