Trong cuộc thảo luật về Dự án Luật giáo dục sửa đổi, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, ông lo lắng về quy định “thực hiện xã hội hóa, biên soạn SGK”, năm vừa rồi SGK là vấn đề nóng toàn xã hội, do in không đủ, không biết mua ở đâu, nhiều sách không thống nhất.
Về nguyên tắc chung, SGK nên là 1 bộ chuẩn dùng cho cả nước, do Hội đồng thẩm định SGK đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định, dùng được cho nhiều năm và hàng năm có bổ sung không nhưng không bổ sung quá 10%, nếu được thì vài ba năm sửa 1 lần. Còn sách tham khảo cũng chỉ nên có quy định một lượng nào đó thôi, vì ngay cả học Đại học, thầy hướng dẫn cũng chỉ nêu một số tài liệu thôi, còn ai đọc rộng hơn thì tùy.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị không xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa
Phân tích thêm những bất cập của SGK thời gian vừa qua, ông Trí cho rằng: “Xã hội hóa thì nên xã hội hóa việc in ấn thôi, vừa qua độc quyền in nên mới có chuyện. Xã hội hóa in ấn thì đúng, chứ không được xã hội hóa biên soạn SGK”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Cũng quan tâm đến vấn đề SGK, đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) lại không đồng tình việc làm nhiều bộ SGK khác nhau. Theo ông, đã là Luật phải thống nhất, SGK phải thống nhất. Xã hội hóa có thể thực hiện trong việc xây dựng cơ sở vật chất chứ không phải là SGK.
Nêu nguyên nhân, đại biểu dẫn quy định pháp luật, việc xã hội hóa biên soạn có thể phát huy được nguồn lực, trong đó có người đã nghỉ hưu, nguồn lực đây được hiểu là con người, là đồng tiền nhưng tính định hướng, tính mục tiêu khó đảm bảo được. Như vậy, việc xây dựng biên soạn sách phải được thực hiện bởi những cơ quan có chuyên môn nhất định, đâu cũng biên soạn thì quản lý thẩm định thế nào.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, một chương trình nhiều SKG cần phải thận trọng. Giáo dục phổ thông cần thống nhất chung cả nước, chứ không thể nào quy định, chỗ này, chỗ kia được phát triển thêm đưa vào chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa… của địa phương mà không ghi rõ là chương trình nhiều hay ít, thời lượng là bao nhiêu, chiếm tỷ lệ bao nhiêu %.
Theo đại biểu, muốn chương trình thực nghiệm đưa ra giảng dạy đại trà thì phải có tổng kết, rút kinh nghiệm. Từ chỗ nhiều SGK dẫn đến tùy tiện trong chọn lựa sách, từ chỗ tùy tiện chọn lựa sách dẫn đến SGK thiếu cục bộ, có nơi thừa SGK môn này, có nơi thiếu SGK môn khác.
Hằng Vương