Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung đã có góp ý vào lĩnh vực giáo dục.
Theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. Một xã hội sẽ không phát triển nếu thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, thì có cải cách mấy cũng bằng thừa. Đó là những vấn đề mà người dân quan tâm.
Bên cạnh đó là những bất cập về cải cách, thay đổi chương trình và các mức học phí của các bậc học. Vấn đề học phí và kinh phí đào tạo trong thời kỳ kinh tế nói chung đang rất ổn, từ nhiều khía cạnh và được rất nhiều bậc phụ huynh, nhân dân quan tâm.
Đại biểu đặt câu hỏi, tại sao lại tăng kinh phí, học phí đào tạo, các khoản phí khác, hay siết chặt đầu vào mà buông lỏng đầu ra? Đại biểu cho rằng, các bậc tiểu học, trung học cơ sở hay phổ thông trung học cần có cơ chế, giải pháp giảm học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em vì trẻ em dưới 18 tuổi cần có môi trường thức và học tập để phát triển.
Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nêu thực tế, lâu nay, ở bậc đại học, thi tuyển khắt khe ở đầu vào nhưng đầu ra lại buông lỏng dẫn đến chất lượng không đảm bảo và không có chọn lọc. Đại biểu đề xuất nghiên cứu chính sách theo hướng thu hút đầu vào và siết chặt đầu ra.
Đại biểu cũng lưu ý đến áp lực học tập từ nhà trường, gia đình đến các em học sinh. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm và nhiều vấn đề sinh lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay. "Phải chăng chúng ta đang tạo ra áp lực cho giới trẻ từ nhiều phía. Có thể thấy, giáo dục ở Việt Nam chỉ có học và học mà thiếu đi những mô hình trải nghiệm, thiếu những lớp học ngoại khóa gần gũi thiên nhiên, thiếu đi những không gian xanh hoạt động ngoài trời chung", đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng, học tập không chỉ từ phía gia đình, nhà trường mà còn ở cả xã hội. Do vậy, cần xây dựng mô hình công cộng nhiều hơn để giải tỏa vấn đề áp lực đến trường. Việc học tập, vui chơi chung ở cộng đồng là rất cần thiết trong việc kích thích tương tác, phát triển khả năng tư duy sáng tạo, giải trí của giới trẻ, từ đó tránh được áp lực từ nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô.
Linh Tuệ (t/h)