Quang cảnh Lễ công bố
Quang cảnh Lễ công bố

Phát biểu tại buổi lễ, GS,TS Nguyễn Vũ Quốc Huy- Hiệu trưởng Trường Đại học Y- Dược Huế cho biết: Với bề dày gần 70 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh cho nhân dân trong khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Với đội ngũ 470 giảng viên trình độ cao, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế đã và đang tiên phong trong đổi mới chương trình đào tạo theo xu hướng tiên tiến của giáo dục y khoa thế giới, đó là Giáo dục dựa trên năng lực – Competency-Based Medical Education (CBME) và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

Năm 2017, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế là trường đại học đầu tiên trong khối các trường đại học khoa học sức khoẻ đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2019, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế tiếp tục kiểm định 3 chương trình đào tạo Dược học, Điều dưỡng và Y tế công cộng đạt chuẩn chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tháng 6 năm 2022, Nhà trường đã đón Đoàn đánh giá ngoài đến tổ chức đánh giá cơ sở giáo dục chu kỳ 2 (2022 – 2027) và được công nhận đạt chuẩn chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 8 năm 2022.

Từ năm 2021, Trường Đại học Y-Dược, Đại học Huế đã triển khai công tác chuẩn bị và tự đánh giá Chương trình đào tạo Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các Trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA). Chương trình Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học của Nhà trường được phát triển dựa trên nhu cầu của hệ thống y tế trong lĩnh vực xét nghiệm, đối sánh với các chương trình giảng dạy từ các trường đại học trong nước và quốc tế, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là từ các đơn vị sử dụng lao động. Chương trình đào tạo này được thiết kế đảm bảo đáp ứng yêu cầu xây dựng chương trình học mới theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khóa tuyển sinh đầu tiên của Chương trình Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học bắt đầu vào năm 2000 với 34 sinh viên và hiện nay đã mở rộng lên khoảng 120 đến 130 sinh viên mỗi năm. Qua 23 năm (2000-2023), nhiều cựu sinh viên ra trường đang làm việc cho các cơ sở y tế công lập và tư nhân trong cả nước, được đánh giá cao bởi năng lực và khả năng thích ứng với công việc.

GS, TS Nguyễn Vũ Quốc Huy- Hiệu trưởng Trường Đại học Y- Dược, Đại học Huế
GS, TS Nguyễn Vũ Quốc Huy- Hiệu trưởng Trường Đại học Y- Dược, Đại học Huế

Với thời gian gần 2 năm chuẩn bị, vừa qua vào các ngày 4-6/7/2023 Nhà trường đã đón Đoàn đánh giá ngoài của tổ chức AUN-QA gồm các chuyên gia đến từ Thái Lan và Philippines để thực hiện kiểm định chương trình đào tạo Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học. Đây là CTĐT đầu tiên của Nhà trường và cũng là của toàn Đại học Huế được kiểm định theo tiêu chuẩn chất lượng của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á. Kết quả đánh giá được Ban Thư ký AUN-QA công bố ngày 6/8/2023 là Chương trình đào tạo Cử nhân Kỹ thuật xét nghiệm y học của Trường Đại học Y -Dược, Đại học Huế đã đạt chuẩn chất lượng của AUN-QA với thời hạn 5 năm và được cấp Giấy chứng nhận số AP1063HUJUL2023.

Cùng với 10 ngành hiện có của Nhà trường, bao gồm Y khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược khoa, Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật hình ảnh y học, trong năm 2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho phép Nhà trường đào tạo ngành Cử nhân Dinh dưỡng – ngành thứ 11ở bậc đại học, hệ chính quy của Nhà trường, sẽ tuyển sinh và bắt đầu đào tạo từ năm 2024.

Với những thành tựu và tiên phong trong đổi mới chương trình đào tạo theo xu hướng tiên tiến của Giáo dục Y khoa thế giới và kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế là đơn vị đi đầu của Đại học Huế nói riêng và trong các trường đại học khối ngành khoa học sức khoẻ của Việt Nam nói chung về kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Song song với công tác đổi mới chương trình đào tạo, cải tiến chất lượng liên tục (Continuous Quality Improvement – CQIs) và kiểm định chất lượng đào tạo, công tác phát triển đội ngũ giảng viên cũng được Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế chú trọng phát triển mạnh. Tính đến tháng 12/2023, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế có tổng cộng 65 Giáo sư và Phó giáo sư, 31 Giáo sư thỉnh giảng quốc tế, 168 Tiến sĩ (không tính các Giáo sư và Phó giáo sư), 03 Nhà giáo nhân dân, 17 Nhà giáo ưu tú, 02 Thầy thuốc nhân dân, 45 Thầy thuốc ưu tú, 66 giảng viên cao cấp, 113 giảng viên chính, 173 giảng viên thỉnh giảng và người giảng dạy thực hành. Tỷ lệ giảng viên là Tiến sĩ chiếm hơn 35% tổng số giảng viên, cao hơn mức trung bình chung của cả nước (khoảng 30%). Phần lớn các giảng viên của Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế được đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các Trường Y – Dược hàng đầu trong nước và quốc tế như Pháp, Đức, Anh, Ý, Australia, Mỹ, Estonia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan… Trung bình mỗi năm Nhà trường có khoảng 10 giảng viên bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ trở về làm việc. Đội ngũ giảng viên chất lượng cao không chỉ đóng vai trò quyết định trong công tác đào tạo mà còn đóng vai trò quan trọng trong công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và các cơ sở thực hành khác của Nhà trường. Nhiều nhóm nghiên cứu mạnh của Trường đã được công nhận và triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị khoa học và thực tiễn cao, được Nhà nước vinh danh trao tặng các giải thưởng cao quý về khoa học công nghệ như Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng được trao lần đầu tiên trong Đại học Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực Miền Trung).

Trao quyết định, bổ nhiệm chức danh phó GS
Trao quyết định, bổ nhiệm chức danh phó GS

Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước nói chung và của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế nói riêng nhằm xây dựng, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, chủ chốt trong công tác đào tạo, nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc gia và là mục tiêu quan trọng của Nhà trường trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ viên chức, người lao động vững mạnh đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện thành công Đề án mô hình Trường – Viện tại Trường Đại học Y- Dược, Đại học Huế và Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Căn cứ Quyết định số 80/QĐ-HĐGSNN (ngày 20/11/2023) của Hội đồng giáo sư Nhà nước về việc công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư năm 2023, Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế đã ban hành các quyết định Bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ngành Y học đối với bà Ngô Thị Minh Châu, sinh ngày 15/01/1976, Tiến sĩ, Bác sĩ, Giảng viên chính, Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế và ông Lê Trọng Bỉnh, sinh ngày 17/6/1984, Tiến sĩ, Bác sĩ, Giảng viên Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y – Dược Đại học Huế.

Ông Lê Trọng Bỉnh là giảng viên được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư ngành Y trẻ nhất (dưới 40 tuổi) của Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế năm 2023, tân PGS.TS. Lê Trọng Bỉnh là giảng viên trẻ của Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y – Dược Đại học Huế, là một trong những tấm gương cán bộ trẻ điển hình của Nhà trường trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh, là một trong những chuyên gia hàng đầu về Chẩn đoán hình ảnh can thiệp, đặc biệt là can thiệp mạch máu. PGS.TS. Ngô Thị Minh Châu là giảng viên nhiều kinh nghiệm, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Cộng hoà Ý và là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực Ký sinh trùng y học của khu vực và cả nước. Đó cũng là thành quả minh chứng trong công tác chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp dạy học nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ về xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới, sự lãnh chỉ đạo đúng đắn của Nhà trường trong công tác triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xây dựng những tấm gương điển hình tiên tiến, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục gắn liền với giá trị cốt lõi là “Tri thức và Nhân ái” cùng triết lý giáo dục “Tinh hoa – Khai phóng – Phụng sự” của Nhà trường.

                                                                                                                                              Trần Minh Tích