Lâu nay, ngành lúa gạo Việt Nam mải mê chạy theo thành tích xuất khẩu. Song có lẽ, đằng sau “tấm huy chương” đó lại là sự thất bại? Để làm sao có định hướng thị trường nhằm nâng cao giá trị hạt gạo Việt, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.
Có nhiều ý kiến cho rằng, ngành lúa gạo đang có vấn đề trong cấu trúc thị trường. Nhìn nhận của ông thế nào?
Trong toàn bộ chuỗi sản xuất của ngành lúa gạo, cấu trúc thị trường biến động rất mạnh ở mỗi khâu, trong đó quyền lực tập trung chủ yếu ở các nhà xuất khẩu (từ việc ra chính sách cho đến phương thức vận hành của cả hệ thống này).
Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam đang được trợ cấp nhiều về hạ tầng, trong đó có thủy lợi. Khoản hỗ trợ này không được đưa vào giá gạo. Vì thế, khi xuất khẩu gạo ra nước ngoài, vô hình trung đã trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. Hơn nữa, việc trợ cấp khiến ngành lúa gạo Việt Nam có xu hướng sản xuất thừa nhóm sản phẩm có chất lượng trung bình và thấp, đồng thời đang phải xuất khẩu với giá thấp. Chính sách quy định giá sàn thu mua lúa gạo không những không đem lại lợi nhuận lớn hơn cho nông dân, mà còn cản trở nông dân trồng những loại lúa chất lượng cao.
Từ đó, chúng ta nên cân nhắc kỹ việc xuất khẩu gạo, vì hiện nay, ngành này không phải là ngành có rủi ro thấp và lợi nhuận cao.
Vậy theo ông, chiến lược xuất khẩu gạo có còn phù hợp?
Với tư cách là nhà kinh tế, tôi cho rằng, xu hướng đẩy mạnh tối đa lượng xuất khẩu gạo như là một thành tích lớn cho tăng trưởng thương mại, cũng như cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam không còn phù hợp nữa.
Bởi lẽ, xuất khẩu gạo phải có hiệu quả thực sự về mặt hàng hóa. Trong khi đó, gạo của Việt Nam đang còn trợ cấp rất nhiều, khi xuất khẩu ồ ạt, mặt hàng chúng ta trợ cấp sẽ tự giẫm lên chân mình.
Việc Trung Quốc trở thành bạn hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam chỉ trong vòng 3 năm (xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lên đến 40%) thay đổi toàn bộ cục diện cấu trúc thị trường. Điều này sẽ rủi ro rất nhiều. Đơn giản như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc “cơm không lành, canh không ngọt”, DN Việt Nam đã điêu đứng.
Đáng chú ý, theo phân tích của giới chuyên gia quốc tế, do năng suất lúa gạo được cải thiện liên tục trên thế giới và dân số sẽ bão hòa nên đến năm 2030, khả năng lượng cung gạo trên thế giới sẽ vượt cầu. Như vậy, việc xuất khẩu gạo sẽ trở nên rất khó khăn. Chúng ta cần có sự thay đổi trong tư duy, cũng như thận trọng về mặt chiến lược ngay từ bây giờ.
Tại Việt Nam, ai, cơ quan nào đang là người quyết định thị trường lúa gạo?
Hiện nay, theo quan sát của chúng tôi, thị trường lúa gạo Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các tổng công ty lớn như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1)… thông qua Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam. Song hành với đó là chính sách thiên về lối tư duy cũ (đẩy mạnh xuất khẩu…). Điều này chưa bắt kịp với biến động rất nhanh của thị trường lúa gạo trong nước, cũng như quốc tế.
Vì vậy, tôi cho rằng, các chính sách hiện nay cần phải được cải thiện và tăng cường nhiều hơn quyền lợi, tiếng nói của DN tư nhân và các nhóm liên kết với nông dân.
Như ông vừa nói, thị trường lúa gạo Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các tổng công ty lớn. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, 2 công ty này “có nhiều vấn đề”. Vậy khi cải cách DN, cần cấu trúc như thế nào để thị trường lúa gạo Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn?
Trong thị trường lương thực nói chung và thị trường lúa gạo nói riêng thì Vinafood chiếm vai trò rất quan trọng. Vinafood vừa tham gia thị trường kinh doanh, vừa chi phối nhiều chính sách. Điều này khiến cho các DN khác chịu nhiều thiệt thòi. Vì Vinafood có những thế mạnh riêng, sẽ tạo ra sự không công bằng trong thị trường và ngăn cản sự phát triển hiệu quả của các DN khác.
Tuy nhiên, theo xu thế, vai trò của Vinafood đang giảm dần, bởi khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài phát triển mạnh, hiệu quả cao. Cụ thể, tỷ trọng đàm phán trước Chính phủ thông qua Vinafood trong vòng 10 năm trở lại đây giảm từ 70% xuống còn 20%. Khi đã rõ ràng như vậy, chính sách nên đi liền và bảo vệ quyền lợi cho nhóm thắng thế hoạt động có hiệu quả.
Thiết nghĩ, đã đến lúc Vinafood nên tách bạch ra giữa việc thực thi và chi phối chính sách. Ví như mua gạo và tạm trữ. Có thể đấy là một công cụ, cánh tay nối dài của Nhà nước để tập trung vào đó phân bổ hay giám sát thực hiện. Ngoài ra, Vinafood nên rút bớt khỏi những hoạt động thương mại mà khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có thể thực hiện được.
Hiện tại, trong hệ thống của chúng ta, ngoài độc quyền về lúa gạo của Vinafood, còn có những độc quyền khác của Hiệp hội Lúa gạo Việt Nam. Bởi về danh nghĩa, Hiệp hội đại diện cho những người sản xuất, tham gia vào thị trường, nhưng cuối cùng thì người sản xuất vẫn không có lợi. Do đó, cần phải tách bạch và đẩy các quyền lực không phải Vinafood để có tính đại diện cho ngành nhiều hơn, đảm bảo quyền lợi cho DN, cũng như sự bền vững của ngành lúa gạo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thu - Vũ Tân (Thực hiện)