Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hiệu
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn coi trọng kết hợp giữa đấu tranh quân sự, chính trị với ngoại giao. Trong đó, ngoại giao là một trong những truyền thống, nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam, góp phần to lớn, tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành và giữ nền độc lập dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Việt Nam là một bộ phận trong nền hòa bình chung của thế giới”.
Má Sáu Ngẫu trao tấm bản đồ thành đô cho Trung đoàn trưởng 27/320b tối 29/4/1975, để hướng dẫn đường cho mũi thọc sâu trên trục đường 13 tiến vào Sài Gòn sáng 30/4/1975
Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, công bố với toàn thế giới nước ta đã giành được độc lập. Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao với các nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới, bảo đảm cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã tuyên bố: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”.
Tư tưởng đó đã chỉ đạo xuyên suốt, là cơ sở hình thành nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau Chiến dịch biên giới năm 1950, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước anh em và chính thức đặt quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 1/1950. Đây là tiền đề để chúng ta mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, nhất là với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, các nước yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), nhờ có sự giúp đỡ, ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa (đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc), quân và dân ta đã giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - một lần nữa minh chứng cho thắng lợi của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, đề cao chính nghĩa; coi trọng xây dựng và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị và quan hệ hợp tác với các lực lượng cách mạng, phong trào giải phóng dân tộc tiến bộ trên thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; là nền ngoại giao vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Sau khi đập tan chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cục diện tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch đã có lợi cho ta, Đảng ta nhận định: “Chúng ta hoàn toàn có khả năng giữ quyền chủ động trên chiến trường, thực hiện phương châm “vừa đánh vừa đàm; vừa đàm vừa đánh” nhằm tạo thế chủ động và phát huy sức mạnh quốc tế ủng hộ cho nhân dân Việt Nam”.
Chiến thắng của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, buộc Mỹ phải đàm phán với Việt Nam và ký Hiệp định Pari tháng 1/1973. Đây là thắng lợi về ngoại giao lớn thứ hai, mang tính bước ngoặt của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Sau Hiệp định Pari năm 1973, chúng ta đã buộc Mỹ và các nước liên quan rút quân khỏi Việt Nam, chấm dứt hoạt động chiến tranh, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Đó là điều kiện vô cùng thuận lợi dẫn đến Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuối năm 1974, đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam với tư tưởng chỉ đạo: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất”.
Quyết tâm đó của Bộ Chính trị - được xác định trên cơ sở nhận định: Chúng ta đã kết hợp đấu tranh chính trị với ngoại giao, kết hợp với kiên quyết phản công và tiến công đập tan mọi âm mưu, hành động lấn chiếm của địch.
Thực hiện phương châm chỉ đạo của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, các hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã trở thành mặt trận, đánh vào “hậu phương quốc tế” của Mỹ, mở rộng “hậu phương quốc tế” của Việt Nam, hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn, mà nòng cốt là Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa, các nước Đông Dương ủng hộ Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Xuân 1975.
Nhờ có hoạt động ngoại giao tích cực, đúng đắn, hiệu quả của Đảng, Nhà nước và nhân dân, mà chúng ta đã xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng nhờ đó mà nhân dân ta đã huy động được khối lượng vũ khí, trang bị, kỹ thuật, lương thực, thực phẩm đầy đủ cho cuộc đụng đầu cuối cùng, cam go nhất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của đường lối đối ngoại của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn thể hiện ở việc tăng cường liên minh chiến đấu ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia chống đế quốc Mỹ. Đồng thời, mở rộng quan hệ đoàn kết hữu nghị với các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, tranh thủ vận động nhân dân Mỹ và nhân dân các nước phương Tây phản đối chiến tranh, hình thành mặt trận đoàn kết rộng lớn của nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Đại thắng mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc oanh liệt vào ngày 30/4/1975, là thắng lợi của một đảng cách mạng chân chính có đường lối chính trị, phương pháp cách mạng đúng đắn, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Đó là thắng lợi của đường lối ngoại giao cách mạng Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của nền ngoại giao cách mạng được xây dựng trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước.
Trong lịch sử thế giới, chưa có cuộc đấu tranh của một dân tộc nào lại nhận được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới như cuộc chiến tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Đường lối ngoại giao của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh - thực sự là cầu nối chuyển tải sức mạnh của cả thời đại đến với Việt Nam, tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn trong cuộc đối đầu lịch sử với Mỹ, kẻ thù có tiềm lực kinh tế, có vũ khí, trang bị hiện đại bậc nhất thời bấy giờ.
Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hiệu