Được biết, 69 lao động, chuyên gia người Trung Quốc này phân bố ở 4 dự án gồm Nhà máy điện gió Krông Búk 1, Dự án Nhà máy điện gió Krông Búk 2, Dự án Nhà máy điện gió Cư Né 1, Dự án Nhà máy điện gió Cư Né 2. Họ đã hoạt động từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 đến nay. Các lao động trên vào địa phương một cách rải rác, thời gian lưu trú khó xác định được bao nhiêu ngày.
Theo đó, cách đây ít ngày, một địa phương khác của Tây Nguyên là Đắk Nông, Sở Lao động - Thương binh, Xã hội tỉnh này qua kiểm tra tại dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 (huyện Đắk Song) đã phát hiện 101 người Trung Quốc đang làm việc tại đây chưa được cấp giấy phép lao động theo quy định.
Dự án trên có chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung 1, 2, 3 với tổng mức vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng (đóng ở địa bàn 4 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Đắk N’Drung và Nâm N’Jang) huyện Đắk Song.
Bên cạnh đó, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên liên tục phát hiện lao động, chuyên gia Trung Quốc về làm việc ở các địa phương nhưng chưa hoàn tất thủ tục, giấy tờ pháp lý liên quan. Các địa phương đang nỗ lực rà soát, thống kê và tăng cường quản lý lao động người nước ngoài trái phép tại địa phương mình. Đơn vị đang mời nhà thầu, chủ đầu tư dự án đến để hướng dẫn thủ tục có liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Hiện, Sở Lao động - Thương binh, Xã hội tỉnh vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo giải quyết vấn đề này từ UBND tỉnh Đắk Nông.
Thuận Yến – Thùy Linh