Nhãn hiệu thuốc BVTV có tiếng cũng dính sai phạm

Mới đây, Sở NN và PTNT Đắk Nông đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị như Công ty Cổ phần thuốc Sát trùng Cần Thơ, Công ty Bảo vệ thực vật An Hưng Phát … cùng hàng loạt các sản phẩm vi phạm như INIP 650EC, VINCO CLASSICO 480 EC, VINCO HEXAZOLE TOPVIL 50SC, Umbbell 600, SHEPEMEC 666EC, DOONE 250SC, LION SUPPER 750BEC, CA-HERO 585EC…

Đắk Nông: Hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV “bát nháo” bị xử phạt - Hình 1

Nhiều công ty thay nhãn mác để đánh tráo công dụng cho cây trồng gây ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc, sản xuất, phát triển kinh tế của nhà nông.

Sau thời gian ra quân thanh tra, kiểm tra  loạt các đơn vị sản xuất, công ty phân phối, đại lý, sản phẩm vi phạm theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, ngày 1/11/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Sau khi thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông đã ra các quyết định xử phạt Hành chính với các Công ty đã có hành vi vi phạm hành chính khi đưa ra thị trường kinh doanh sản phẩm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Cụ thể, theo Quyết định xử phạt số 04/QĐ – XPVPHC đối với Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Phú Cường đã có hành vi vi phạm hành chính khi đưa ra thị trường phân phối thuốc trừ sâu SPACELOFT 595EC thể tích 450ml/chai, ghi nhãn hàng hoá không đúng với bản chất, không đúng sự thật về hàng hoá đó đã được đăng ký trong danh mục công bố thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và hạn chế sử dụng trong năm 2018 tại Việt Nam.

Quyết định xử phạt số 05/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Công nghệ Châu Âu đã có hành vi vi phạm hành chính khi đưa ra thị trường kinh doanh sản phẩm thuốc trừ sâu LION SUPER 750 EC (nhãn hiệu nỏ thần), thể tích 450ml/ chai.

Quyết định xử phạt số 06/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Bảo vệ thực vật An Hưng Phát đã có hành vi vi phạm hành chính khi đưa ra thị trường kinh doanh sản phẩm thuốc trừ bệnh HERO FOS 400SL thể tích 500 ml/chai và 1 lít/chai.

Quyết định xử phạt số 08/QĐ – XPVPHC đối với Công ty Cổ phần thuốc sát trùng Cần Thơ đã có hành vi vi phạm hành chính khi đưa ra thị trường kinh doanh sản phẩm CA-HERO 585EC, thể tích thực 450 ml/chai.

Quyết định xử phạt số 10/QĐ-XPVPHC đối với đại lý Nhật Hiền đã có hành vi vi phạm hành chính khi đưa ra thị trường kinh doanh sản phẩm thuốc trừ sâu FOCOC 600EC (nhãn hiệu Dumbbell 600) thể tích thực 480 ml/chai và thuốc trừ sâu SHEPEMEV 666EC có thể tích thực 240 ml/chai.

Quyết định xử phạt số 11/QĐ-XPVPHC đối với đại lý Tuấn Lanh đã có hành vi vi phạm hành chính khi đưa ra thị trường kinh doanh sản phẩm thuốc trừ sâu VINCO CLASSICO 480 EC thể tích thực 450ml/ chai và thuốc VINCO HEXAZOLE TOPVIL 50SC, thể tích thực 1 lít/chai.

Quyết định xử phạt số 12/QĐ-XPVPHC đối với đại lý Thiên Thạch đã có hành vi vi phạm hành chính khi đưa ra thị trường kinh doanh sản phẩm DOONE 250SC, thể tích 1 lít/chai.

Quyết định xử phạt số 15/QĐ-XPVPHC đối với đại lý Thanh Trung đã có hành vi vi phạm hành chính khi đưa ra thị trường kinh doanh sản phẩm thuốc trừ sâu INIP 650EC (nhãn hiệu Rầy, Rệp), thể tích thực 450 ml/chai.

Không chỉ tình trạng thuốc BVTV giả, kém chất lượng hoành hành người nông dân, mà phân bón giả cũng là vấn nạn nhức nhối ở đựa phương này. Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương Đắk Nông vừa ra quyết định xử phạt và tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt 7 cơ sở, doanh nghiệp có hành vi kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Danh sách các đơn vị kinh doanh phân bón kém chất lượng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị xử lý, xử phạt gồm: cơ sở kinh doanh phân bón Hệ Nga (thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đắk Song); Cơ sở kinh doanh phân bón Trung Toán (thôn 3, xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long); Cơ sở kinh doanh phân bón Linh Hậu (thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil); Cơ sở kinh doanh phân bón Hoan Mừng (thôn 11, xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long); Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ, vận tải Nam Thuận (thôn Hòa Phong, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil); Cơ sở kinh doanh phân bón Thủy Quý (thôn Tân Bình, xã Đắk Rmoan, thị xã Gia Nghĩa) và Cơ sở kinh doanh phân bón Hoàng Vinh (thôn Bon Sa Na, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long).

Hành vi vi phạm của 7 cơ sở nêu trên bao gồm: bán phân bón giả không có giá trị sử dụng, công dụng; bán phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cơ sở gần 400 triệu đồng; trong đó, cơ sở bị xử phạt thấp nhất gần 14 triệu đồng, cao nhất là 162 triệu đồng.

Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cũng buộc các cơ sở tiêu hủy 21,5 tấn phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng nêu trên.

“Bao giờ dân mới hết bị lừa”?

Theo nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có phản ánh về tình trạng trên thị trường có rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực với đủ các công dụng khác nhau, tuy nhiên khi sử dụng dành cho các cây trồng thì không thấy có hiệu quả, ngược lại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhiều nơi nông dân phản ánh bỏ tiền triệu để mua thuốc trừ bệnh cho cây tiêu và cà phê nhưng lại bị tác dụng ngược khiến cây chết, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế.

Trong khi, hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, hữu cơ vô cùng phức tạp. Tuy dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi trong nước không đủ điều kiện theo quy định. Còn thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ nước ngoài, xen lẫn với thuốc kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Nhu cầu sử dụng của nông dân lớn, nhà sản xuất  kinh doanh nhiều mánh khóe , nên việc phát hiện, phòng chống phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng rất khó khăn khi mà cơ quan chức năng chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, thiếu kiên quyết trong xử lý, chưa làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, gây bức xúc dư luận.

Ngay tại Đắk Nông mới đây, theo Kết luận Thanh tra sở NN và PTNT do Giám đốc Sở đã ký có nêu rõ tại mục 3 về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm với nội dung  “Qua kiểm tra 74 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và đối chiếu kết quả phân tích mẫu phân bón, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành 14 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 70.350.000 đồng”. Trong đó đối với thuốc bảo vệ thực vật có 10/74 cơ sở vi phạm về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sai nhãn mác, công dụng ghi trên nhãn, chất hạn chế sử dụng. Thanh tra đã xử phạt hành chính đối với 12 sản phẩm, trong đó có 01 văn bản xử phạt đối với cơ sở kinh doanh hết hạn sử dụng, 01 văn bản xử phạt hành chính đối với cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khi chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực và xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sai nhãn mác.

Liên quan đến thuốc BVTV thì Thanh tra Sở chỉ cung cấp có 8 Quyết định xử phạt 8 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vi phạm liên quan đến các sai nhãn mác theo quy định (còn thiếu 2 sản phẩm vi phạm theo báo cáo của thanh tra lên sở NN và PTNT) và 01 văn bản xử phạt đối với cơ sở kinh doanh hết hạn sử dụng, 1 văn bản xử phạt hành chính đối với cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khi chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực. Điều đặc biệt trong các văn bản xử phạt Thanh tra Sở cung cấp thì chỉ có một số sản phẩm vi phạm được Thanh tra nêu rõ và xử phạt đúng nhà sản xuất sản phẩm vi phạm, còn lại nhiều sản phẩm chỉ công bố tên sản phẩm, lỗi vi phạm mà không nêu nhà sản xuất và chỉ phạt lỗi tương tự cho đại lý.

Liệu có sự bao che, dung túng của nhà quản lý đối các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả hay không? Đến bao giờ người dân  mới có thể sử dụng đúng mặt hàng, đúng chất lượng, đúng chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã quy định?

Hải Đăng