ESG đang trở thành xu hướng trên thế giới nên những hành động trái với ESG cũng đang bắt đầu bị xử phạt thậm chí là khởi kiện. Đầu tháng Năm vừa qua, lần đầu tiên nhóm ESG của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ đã khởi kiện một công ty niêm yết đó là công ty khai khoáng quặng sắt lớn hàng đầu thế giới của Brazil là Vale S.A do greenwashing (xanh giả vờ) bởi thông tin không chuẩn về tình trạng an toàn của các con đập hiện tại.
"Tiền sử" là trước đây vào năm 2019, việc sập một con đập của công ty này khi khai thác đã làm 270 người thiệt mạng và gây thiệt hại khoảng 4 tỷ USD. Với một tinh thần ESG đang lên cao, khi nhà đầu tư nước ngoài đem tiền sang Việt Nam đầu tư, đòi hỏi về tiêu chí ESG cũng đang ngày một lớn.
Đại diện Quỹ đầu tư Vietcombank liên doanh với Tập đoàn đầu tư đa quốc gia cho biết, gần đây đã đầu tư vào một công ty thủy điện, tuy nhiên trước khi giải ngân hai bên đã phải làm việc rất chặt chẽ để đảm bảo công ty phải có quy hoạch phù hợp về số diện tích rừng sẽ chặt để làm thủy điện, không ảnh hưởng phát triển rừng hay khi xả lũ phải đảm bảo sự an toàn dân sinh.
Hay thông tin từ quỹ Vinacapital, thời gian gần đây, một trong những câu hỏi đầu tiên của các tổ chức quốc tế khi hai bên đàm phán cơ hội đầu tư tại Việt Nam đều là về việc áp dụng tiêu chuẩn ESG tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào?
Theo các tổ chức đầu tư, nhìn sâu vào mới thấy những yếu tố tưởng phi tài chính như ESG lại mang ý nghĩa tài chính rất lớn, vì một công ty đầu tư theo ESG là một công ty cam kết với sự phát triển bền vững. Còn nếu chỉ làm với quan điểm ăn xổi, không quan tâm ảnh hưởng môi trường, ngắn hạn có thể có tiền nhưng đường dài mang nhiều rủi ro.
Báo cáo từ Morningstar Inc, các quỹ đầu tư theo tiêu chí bền vững toàn cầu thu hút khoảng 96,6 tỷ USD trong quý đầu năm 2022, trong bối cảnh dòng tiền đầu tư biến động, lượng tiền này đã giảm khoảng 36% so với quý trước đó nhưng so với các việc các quỹ khác có lượng tiền vào giảm tới 73% thì vẫn nhỏ hơn rất nhiều. Theo chuyên gia, lý do căn bản là nhà đầu tư ESG là những người có tầm nhìn dài hạn và ít "nhảy nhót" hơn những nhà đầu tư khác khi thị trường gặp biến động.
Có thể hiểu ESG là đầu tư vào các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và môi trường thay vì chỉ chăm chăm lợi nhuận. Ví dụ của ESG đến từ những hành động đơn giản của doanh nghiệp như hoạt động sản xuất dùng nhiều năng lượng, doanh nghiệp có kế hoạch tối ưu hóa, tiết kiệm được 20-30% năng lượng đầu vào là vừa giảm được chi phí, vừa giảm phát thải trong bối cảnh Việt Nam là nước có tỷ lệ phát thải cao.
Hay với doanh nghiệp xuất khẩu, đầu tôm sau khi chế biến, thay vì bỏ đi thì có thể dùng làm phân bón hay keratin để tuần hoàn và tăng thêm dòng tiền.
Với doanh nghiệp dệt may dùng nhiều lao động thì cải thiện môi trường việc làm ra sao để sức khỏe tinh thần đời sống cán bộ nhân viên đảm bảo để họ ít nghỉ việc, giảm thiểu chi phí tuyển dụng.
Có thể nhiều doanh nghiệp nghĩ Việt Nam chưa có quy định ESG thì chưa cần đặt nặng sự quan tâm cũng không sao, doanh nghiệp vẫn hút được tiền đầu tư. Thực tế qua trao đổi bên lề với một tổ chức tư vấn, nhiều nhà đầu tư ngoại hồi đầu năm đã có động thái thoái vốn khá mạnh mẽ từ một doanh nghiệp thép lớn của Việt Nam khi thấy rằng doanh nghiệp này chưa có kế hoạch ESG phù hợp để xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất. Còn doanh nghiệp nào cam kết với ESG thì cơ hội đón dòng vốn bền vững của quốc tế là rất lớn.
89% năng lượng sử dụng trong hệ thống 13 trang trại, nhà máy của CTCP Sữa Việt Nam là nguồn năng lượng xanh. Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, chất thải biến thành điện năng, giảm thiểu phát thải CO2 Năm 2021, điểm ESG của doanh nghiệp là trên 90 điểm - cao hơn mức trung bình tới 58 điểm.
Đây là một vài kết quả sau 10 năm theo đuổi thực hành tiêu chuẩn về ESG. Theo đại diện của doanh nghiệp, nhờ thực thành tốt các tiêu chí phát triển bền vững vì môi trường, con người và quản trị mà họ luôn duy trì tỷ trọng vốn ngoại khá cao.
Để đạt được thành tựu này cũng không đơn giản, việc thực hiện ESG cần nhiều thời gian, nguồn lực từ việc thuê đối tác tư vấn, đến việc phổ biến đến từng đơn vị thành viên, thực hiện chỉ tiêu bảo vệ môi trường, phát triển con người, quản trị doanh nghiệp. Ngoài báo cáo tài chính, hàng năm doanh nghiệp phải có báo cáo chỉ số ESG làm mất từ 06 - 08 tháng.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay: "Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã thể hiện mức độ tuân thủ còn cao hơn yêu cầu pháp luật, thực hiện các báo cáo thường niên theo chuẩn mực ESG".
Theo ban Chứng khoán Nhà nước, trong bối cảnh sau đại dịch, ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp tiếp cận các chuẩn mực ESG, với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội.
Dù đã có những điển hình thành công, nhưng số doanh nghiệp tham gia ESG tại Việt Nam là chưa nhiều. Số lượng báo cáo phát triển bền vững năm 2021 chỉ là 14, hơn được 02 báo cáo so với con số 12 của năm 2020 trong khi trên sàn chứng khoán có gần 750 doanh nghiệp niêm yết.
Theo các chuyên gia, nếu Việt Nam có chính sách hướng dẫn kỹ thuật hay yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp niêm yết phải công bố thông tin về phi tài chính thì ESG sẽ phát triển rất nhanh. Những doanh nghiệp niêm yết đi trước sẽ là hình mẫu, vì không chỉ xét đến dòng vốn trên thị trường chứng khoán.
Dòng vốn FDI dịch sang Việt Nam ngày càng nhiều, hầu hết họ đều quan tâm ESG, họ sang mà ta chưa sẵn sàng thì đôi khi ta đánh mất cơ hội. Còn khi ta sẵn sàng dù chưa áp dụng hoàn thiện, vẫn có thể đón trọn dòng vốn này.
Theo Bloomberg Intelligence, ước tính tổng tài sản ESG toàn cầu sẽ đạt mức 50 nghìn tỷ USD vào năm 2025 tương đương 1/3 tài sản đang được quản lý trên toàn thế giới. Xu hướng này vẫn đang tiếp diễn tăng đều đặn kể từ khi con số này vượt 35 nghìn tỷ USD từ năm 2020.
C.H (t/h)