Hải Vân Quan là một trong những cửa ải có vị trí chiến lược của vùng Thuận Hóa - Phú Xuân, dưới thời Nguyễn, cả về quân sự lẫn giao thông. Cửa ải này nằm ở độ cao 490 m, giáp danh giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng).
Sau sự kiện binh biến Kinh đô vào năm 1885, Hải Vân Quan không còn được gìn giữ nguyên vẹn. Gần 200 năm tồn tại với những vai trò và vị thế khác nhau, Hải Vân Quan đứng trước hư hỏng và xuống cấp, bỏ hoang.
Trước thực trạng đó, các ban, ngành của 2 địa phương nói trên đã nhiều lần họp để tìm ra giải pháp, đồng thời giao cho các đơn vị chuyên môn làm hồ sơ gửi lên Bộ VH-TT&DL để công nhận di tích này là di tích cấp quốc gia. Với sự nỗ lực đó, ngày 14/4/2017, di tích Hải Vân Quan đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Chiều nay, tại di tích Hải Vân Quan, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở VH-TT TP. Đà Nẵng cùng với lãnh đạo của 2 địa phương, đã làm lễ đón nhận danh hiệu di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di tích Hải Vân Quan
Tại buổi lễ, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh, việc Bộ VH-TT&DL xếp Hải Vân Quan là di tích quốc gia, đã khẳng định những giá trị lịch sử, kiến trúc,nghệ thuật, đồng thời cũng là sự ghi nhận đồng nhất trí của 2 địa phương.
Nhằm phát huy những giá trị của di tích này, bà Liên đề nghị 2 địa phương phải khẩn trương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác giới thiệu tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng; nghiên cứu giá trị của di tích để triển khai Dự án tu bổ, tôn tạo gắn với việc phát triển du lịch; kiện toàn bộ máy quản lý di tích để phù hợp quy định của pháp luật...
Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, đại diện 2 địa phương và Bộ VH-TT&DL đã khoanh vùng bảo vệ di tích Hải Vân Quan. Ngoài việc được quan tâm bảo tồn, trả lại nguyện trạng vốn có thì Hải Vân Quan còn được đánh giá sẽ là "sợi dây liên kết" du lịch giữa 2 khu vực Bắc và Nam Trung Bộ trong thời gian tới .
Đình Duy