Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số (CĐS), kinh tế số (KTS) hiện nay đang là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Đặc biệt, với sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) và “cú huých” tái bùng phát dịch Covid-19, thì vấn đề CĐS lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết.

Tại Việt Nam, đầu tháng 1/2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội, khẳng định rõ, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu CMCN 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đặc biệt, theo PGS, TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Trước đó, năm 2017, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến thúc đẩy kinh tế số và thương mại điện tử. Cụ thể, năm 2017 Chính phủ có Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trong đó đưa ra 6 giải pháp phát triển kinh tế số. Tiếp đó, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với rất nhiều những mục tiêu được đặt ra.

Diễn đàn Kinh tế số và Thương mại điện tử, do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15/4
Diễn đàn Kinh tế số và Thương mại điện tử, do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 15/4.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cho rằng: Chưa khi nào Việt Nam có khát vọng phát triển gắn với CMCN 4.0 và chuyển đổi số như hiện nay. Đặc biệt, không chỉ Chính phủ mà bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng dần thay đổi cách nhìn nhận về chuyển đổi số.

Theo ông Thành, tại một hội thảo diễn ra 3 năm trước, khảo sát 300 DN thì có tới 70% DN không tin vào CMCN 4.0, nhưng tại một khảo sát doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) diễn ra vào năm 2020, có tới 30% doanh nghiệp đã có đầu tư công nghệ, máy móc để chuyển đổi cách thức vận hành, sản xuất, kinh doanh. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số không chỉ là nhu cầu của Chính phủ, mà còn là nhu cầu tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) - cho rằng: Những năm gần đây, kinh tế số có sự gia tăng liên tục, trong đó có năm tăng đến 30%. Riêng năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, ảnh hưởng đến nhập khẩu, khiến người bán không có hàng bán, nhưng thị trường TMĐT vẫn tăng 18%. Đặc biệt, tài khoản cá nhân và DN tham gia thị trường TMĐT cũng gia tăng không ngừng.

Rõ hàng, CĐS không chỉ là xu hướng mà còn là nền tảng phát triển TMĐT, mang đến cơ hội cho DN Việt Nam gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, để đạt được thành công trong CĐS, ông Võ Trí Thành cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ trong hoàn thiện chính sách, hạ tầng, DN cần tập trung vào 4 phương diện, bao gồm: Sản phẩm, kỹ năng lao động; phương thức kinh doanh và khả năng quản trị DN. Trong đó đặc biệt là vấn đề sản phẩm, phải có 3 đặc trưng và thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng mới như: Xanh, an toàn, nhân văn.

Còn theo TS Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam): Chuyển đổi số là lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên thành công hay thất bại trong chuyển đổi số lại không phải vấn đề công nghệ mà phụ thuộc vào quyết tâm chính trị, thể chế kinh tế quốc gia. Theo đó, trách nhiệm của mỗi DN là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm.

Trúc Mai