Quảng cáo “dâu tây Đà Lạt”, tiểu thương Hà Nội đã “móc túi” triệt để khách hàng kiếm lời. Trong khi dâu tây ở Đà Lạt hiện mới vào vụ nên không có số lượng nhiều để cung cấp ra Hà Nội.
Trên các tuyến phố Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi, Đường Láng, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Giải Phóng… xuất hiện nhan nhản tiểu thương bán dâu tây Đà Lạt với giá cao: từ 10.000 - 15.000 đồng/gr. Đặc biệt, mua loại dâu này về có thể để lâu đến 10 ngày mà không bị hư hỏng?
Trên đường Trần Thái Tông, một người bán dâu tây Đà Lạt đon đả mời khách: “Dâu tây của chị xuất xứ từ Đà Lạt, không phải “Tàu” đâu, còn cả cuống lá, màu đỏ tươi, ăn vô tư không có thuốc bảo quản, em mua để ăn dần cả tuần không bị hư hỏng”.
Trong khi đó, tại chợ Long Biên, dâu tây được người buôn nhập từ Trung Quốc, giá 400.000 - 500.000 đồng/thùng (10 kg). Khi các tiểu thương mua về bán sẽ nhặt quả dâu dập bỏ đi, rồi bày lên kệ bán. Những thùng dâu tây đều được tập kết bằng các hộp xốp dán tem có hình ảnh quả dâu và tiếng Trung Quốc.
Chị Bảy, chủ quầy hàng hoa quả ở cổng chợ Long Biên, cho biết: “Ngày nào mấy xe tải trọng lớn, mỗi xe hàng tấn dâu tây cũng về đậu ở đây, đều từ Trung Quốc. Dâu Đà Lạt, giờ mới bắt đầu vào vụ, giá mua tại gốc đã rất cao, đều được thương lái về tận gốc đặt hàng rồi, không lấy đâu ra mà mang ra tận chợ Long Biên bán số lượng nhiều như vậy? Dâu tây Trung Quốc có chất bảo quản, bán dong ngoài đường “dầm mưa dầm gió”, phơi nắng cả vài ngày cũng không bị hỏng, nếu dâu Đà Lạt thật, chín tại gốc, vận chuyển quãng đường xa vậy, không bán hết trong ngày là thối hỏng bỏ đi luôn”.
Ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết: “Các mặt hàng Trung Quốc nhập về Việt Nam rồi được “đánh tráo” thành hàng đặc sản Đà Lạt trong thời gian gần đây trở nên báo động. Bởi vậy, việc tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát nguồn xuất xứ rau, hoa quả Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường trong và ngoài nước - là một trong những yêu cầu bức bách hiện nay đối với cơ quan hữu trách nhằm tránh tình trạng “vàng thau” lẫn lộn và giữ vững thương hiệu dâu tây Đà Lạt nói riêng, cũng như các sản phẩm rau, củ, quả đặc sản Đà Lạt nói chung”.
Theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Lâm Đồng) thì: “Một số mặt hàng rau, củ, quả Trung Quốc (khoai tây, cải bắp, dâu tây…) không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng chủng loại của Đà Lạt. Tuy nhiên, do sự chênh lệch về giá khá lớn nên nhiều tư thương ở Đà Lạt lấy hàng Trung Quốc về đánh tráo thương hiệu bằng cách gắn nhãn mác đặc sản Đà Lạt, tung ra tiêu thụ trên thị trường hòng kiếm lời”.
Thông tin từ Công an thành phố Đà Lạt, trong đợt kiểm tra mới nhất trên địa bàn, đã phát hiện 91 cơ sở/tổng số 95 cơ sở được kiểm tra có những sai phạm về sản xuất và kinh doanh hàng đặc sản. Trong đó, phổ biến nhất là nạn đánh tráo thương hiệu từ hàng Trung Quốc (không rõ nguồn gốc xuất xứ) thành hàng đặc sản Đà Lạt.
Hoan Nguyễn