Xu thế tất yếu
Đấu thầu qua mạng đã trở thành xu thế tất yếu của rất nhiều quốc gia, ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu dẫn chứng: Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng đấu thầu qua mạng từ lâu và đến năm 2015, tất cả các thành viên EU sẽ phải áp dụng đấu thầu điện tử như là hình thức bắt buộc.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Singapore và nhiều quốc gia tiên tiến khác cho thấy, đấu thầu qua mạng có thể tiết kiệm được từ 3 - 20% giá gói thầu. Còn tại Việt Nam, theo tính toán, việc mở rộng đấu thầu qua mạng sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ USD bởi tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm khoảng hơn 20 tỷ USD.
Tính đến cuối năm 2013, các cơ quan thí điểm và các đơn vị khác trong cả nước đã thực hiện thành công hơn 1.000 gói thầu điện tử (so với 55 gói thầu trong giai đoạn 2009 - 2011). Toàn bộ các hoạt động như đăng tải kế hoạch đấu thầu, đăng tải thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, nộp hồ sơ dự thầu, mở thầu, thông báo kết quả đánh giá… đều được thực hiện trên hệ thống, đăng tải được hơn 9.200 kế hoạch đấu thầu, hơn 57.000 thông báo mời thầu. Số lượng ngày dùng đăng ký sử dụng hệ thống là hơn 7.400 bên mời thầu và hơn 2.600 nhà thầu.
Cũng trong giai đoạn này, hệ thống đã có những bước phát triển mạnh mẽ với tổng số lượng người đăng ký tăng 500%, trong đó số lượng nhà thầu đăng ký tham gia sử dụng tăng 650%, bên mời thầu tăng 460%. Nhờ đó, việc sử dụng hệ thống để đăng tải thông tin cũng có những tăng trưởng vượt bậc, với số gói thầu áp dụng qua đấu thầu mạng tăng gần 20 lần, số thông báo mời thầu và kế hoạch đấu thầu tăng lần lượt 3 và 11 lần.
Hoàn thiện công tác đấu thầu qua mạng
Thực tế, mở rộng đấu thầu điện tử là hết sức cần thiết vì giúp tiết kiệm chi phí đi lại, in ấn, cũng như hạn chế tiêu cực, phù hợp với yêu cầu của hội nhập quốc tế (đặc biệt khi Việt Nam đang tham gia đàm phán TPP). Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi, hiệu quả hình thức này, chúng ta cần giải quyết một số khó khăn, tồn tại và trở lực cơ bản.
Theo ông Lê Văn Tăng, trở ngại lớn nhất là các đơn vị triển khai còn mang tâm lý lo ngại khi giải trình với các cơ quan thanh tra, kiểm tra về quy trình đấu thầu qua mạng. Giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử cũng như chữ ký số trong đấu thầu qua mạng chưa được công nhận và quy định đầy đủ ở văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong thanh toán, kiểm tra, thanh tra còn thiếu đồng bộ. Còn thiếu các văn bản quản lý quy định chi tiết việc áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng theo quy mô gói thầu; nguồn vốn; ngành; lĩnh vực… để tạo thuận tiện áp dụng rộng rãi. Hơn thế, trong quy định chi tiết đấu thầu qua mạng mới chỉ khuyến khích các đơn vị không nằm trong diện thí điểm thực hiện đấu thầu qua mạng nên nhiều đơn vị còn tâm lý chưa chuẩn bị để làm.
Do đó, nhằm xây dựng bài bản kế hoạch triển khai đấu thầu qua mạng trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Ngân hàng Thế giới hỗ trợ để tư vấn chiến lược quốc gia và lộ trình thực hiện tới năm 2025.
Theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu: “Những vướng mắc trong triển khai đấu thầu qua mạng sẽ được tiếp thu để hoàn thiện công tác đấu thầu qua mạng. Mặt khác, cơ quan quản lý sẽ đặt ra lộ trình về tỷ lệ bắt buộc phải đấu thầu qua mạng theo từng năm. Kết hợp với những biện pháp tuyên truyền, tỷ lệ này sau đó sẽ được nâng dần lên”.
Box: Đấu thầu qua mạng được quy định tại Điều 30 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 19/11/2005 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XI và tiếp tục được quy định tại chương VII, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2014.
Thanh Châu