Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) chia sẻ: Không thể phủ nhận, lực lượng chức năng đã nỗ lực trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Mặc dù vậy, còn rất nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường
Ông nhận định như thế nào về diễn biến của vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường, trong dịp Tết Ất Mùi?
Những tháng cuối năm 2014, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng. Đăc biệt, nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tác hại nhiều mặt tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Các đối tượng tiếp tục lợi dụng những bất cập và kẽ hở trong cơ chế chính sách để gian lận thương mại...
Công tác đấu tranh với các hành vi này gặp những khó khăn gì?
Khó khăn trước hết phải nói tới đó là thủ đoạn của các đối tượng làm ăn phi pháp ngày càng tinh vi, luôn tìm cách đối phó với các lực lượng chức năng.
Việc phân biệt gia cầm nhập khẩu trái phép với gia cầm thải loại của các cơ sở sản xuất trong nước rất khó khăn, nhất là khi các đối tượng hợp pháp hóa bằng hóa đơn chứng từ quay vòng, thủ tục kiểm dịch của các trang trại trong nước. Các đối tượng buôn lậu thuốc lá tổ chức đường dây rất tinh vi, điều hành rất chặt chẽ, thuê người thường xuyên theo dõi sát mọi hoạt động của lực lượng kiểm tra tại trụ sở cơ quan, tại nơi đóng chốt, nắm rõ mọi hoạt động của lực lượng kiểm tra để báo về cho đầu nậu tìm cách đối phó. Thời gian đưa hàng qua biên giới và vận chuyển vào nội địa thường xuyên thay đổi, chủ yếu hoạt động ngoài giờ hành chính. Khi bị phát hiện, truy bắt, các đối tượng thường manh động chống trả quyết liệt, hoặc kích động quần chúng nhân dân, các phần tử xấu bao vây, ngăn cản lực lượng chức năng để tẩu tán, cướp lại hàng. Các đối tượng buôn bán hàng cấm như ma túy, tiền chất gây nghiện... thường dùng thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc các du học sinh, người lao động nghèo thông qua con đường du học, du lịch để tham gia đường dây xuất nhập ma túy, tiền chất gây nghiện...
Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở một số địa bàn chưa có chiều sâu. Tình trạng một bộ phận người dân ở khu vực sát biên giới tham gia buôn lậu, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn còn xảy ra khá phức tạp…
Để công tác đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu đạt kết quả, cần có sự phối hợp như thế nào giữa các lực lượng chức năng?
Nhằm đáp ứng công tác chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại trong tình hình mới, thời gian sắp tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới để hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm cho công tác này đạt hiệu quả cao hơn, nhất là các quy định về quản lý trong hải quan, xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, các chế tài đối với hàng giả, hàng kém chất lượng cần phải rà soát lại, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh theo hướng xử phạt thật nghiêm khắc, nhằm triển khai tốt Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực thi hành.
Cần tăng cường trao đổi thông tin, đánh giá tình hình giữa các lực lượng chức năng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng: Tiếp tục thực hiện các quy chế phối hợp mà các lực lượng đã ký như Quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hải quan, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Cục Sở hữu trí tuệ, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam...; xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm.
Cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo các chi cục địa phương tập trung lực lượng đấu tranh, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, chú trọng các tuyến, địa bàn xung yếu và các mặt hàng trọng điểm như rượu, bia, thuốc lá, gia súc, gia cầm, quần áo may sẵn, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực...
Xin cảm ơn ông!
Hà Thu (Thực hiện)