Theo đó, các dự án trong danh mục này gồm cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường vành đai 3. Đồng thời, tỉnh đang tiếp tục làm việc với Trung ương để thống nhất chủ trương triển khai xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống Metro đoạn qua địa bàn Đồng Nai.

Đối với những dự án do tỉnh quản lý sẽ tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông ở TP.Biên Hòa và 2 huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, vì có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Tỉnh sẽ ưu tiên hoàn thành các tuyến đường quan trọng trước như: đường vào cảng Phước An, Hương lộ 10, đoạn từ ranh giới 2 huyện Cẩm Mỹ - Long Thành đến vị trí giao với đường ĐT 769.

Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Đồng Nai tính rót hơn 33,3 ngàn tỷ đồng - Hình 1

Đồng Nai đầu tư hơn 33 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng

Bên cạnh đó, tỉnh chuẩn bị khởi công nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Tri Phương, Đỗ Văn Thi, Bùi Văn Hòa, cầu Thống Nhất và tuyến đường kết nối với cầu An Hảo (TP.Biên Hòa)... Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung xây dựng cảng Phước An, mở rộng cảng Gò Dầu, một số cảng ICD, khu logistics, bến thủy nội địa để phục vụ luân chuyển hàng hóa và các bến dừng chân phát triển du lịch đường sông.

Được biết, tỉnh Đồng Nai đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho dự án Đường Vành đai 3 được đầu tư nhanh chóng.

Theo đó, tuyến đường vành đai 3 đoạn Nhơn Trạch - TP.HCM dài hơn 30km. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP.HCM) đến đường 25B tại trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17km. Dự kiến trong quý II năm nay sẽ khởi công trước đoạn 1A từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường 25B.

Đoạn 1A dài gần 9km, trong đó 2km nằm trên địa phận TP.HCM, còn lại nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Tuyến đường được thiết kế xây dựng mặt đường rộng hơn 20m cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, gồm 190 triệu USD (tương đương 4.180 tỷ đồng) vay từ EDCF và gần 1.150 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam, trong đó tiền của tỉnh chi trả cho giải phóng mặt bằng trên 470 tỷ đồng.

Song song đó, khi trình bày về hệ thống giao thông kết nối với Sân bay Long Thành, Sở Giao thông - vận tỉnh Đồng Nai mới đây cũng đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho triển khai xây dựng tuyến đường 25C đoạn từ hương lộ 19 (huyện Nhơn Trạch) đến quốc lộ 51 và đoạn từ các khu công nghiệp Nhơn Trạch đến đường vành đai 3 (TP.HHCM).

Theo quy hoạch, đường 25C có chiều dài 14,5km, điểm đầu nối với quốc lộ 51 và điểm cuối giao với đường vành đai 3. Hơn 11km cuối tuyến đã và đang thi công, đặc biệt đoạn giữa tuyến nằm trong các khu công nghiệp đến nay đã hoàn thành, còn lại hơn 3km đầu tuyến nối với quốc lộ 51 chưa được đầu tư.

Lãnh đạo huyện này cũng cho hay đường 25C rất quan trọng, bởi tuyến đường này đi qua các khu công nghiệp cũng như khu đô thị của huyện và kéo dài xuống đến tận đường Hùng Vương (xã Vĩnh Thanh) và kết nối với các tuyến đường khác về TP.HCM.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết đường 25C đoạn đầu tuyến hiện đang được ban lập hồ sơ đầu tư. Đoạn đường này có chiều dài 3km và xây dựng bề rộng 100m, tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch, một dự án giao thông khác là tuyến đường 25B mở rộng đã được hoàn thiện các thủ tục và chuẩn bị triển khai xây dựng. Sau khi xây dựng hoàn thiện, sẽ hình thành mạch nối thông suốt TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương.

Mới đây tỉnh Đồng Nai cũng đã làm việc với các sở ngành của TP.HCM về việc muốn đứng ra xây dựng và trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án cầu Cát Lái 7.200 tỷ đồng nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP.HCM. Tỉnh này đang làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng cùng bàn thảo phương án đầu tư, dự kiến dự án cây cầu trọng điểm này sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2019.

Được biết, một số nhà đầu tư đã đề xuất với UBND TP.HCM xây dựng cầu Cát Lái theo các hình thức BOT, PPP.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Nhơn Trạch sẽ đóng vai trò như một trung tâm cung ứng các dịch vụ hậu cần, logistics, nhân lực chất lượng cao, các dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ tài chính ngân hàng, kho bãi, bảo hiểm, khu dân cư cao cấp, khách sạn, khu vui chơi giải trí…, để khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, các dự án giao thông hoàn tất và kết nối ngay vào Nhơn Trạch thì mọi thứ đã sẵn sàng.

Lúc đó, hình hài một thành phố vệ tinh Đông Sài Gòn hiện đại và có sức sống tự thân thực sự mới thuyết phục được nhà đầu tư và tiềm năng mới có thể "cất cánh".

Muốn vậy, ngay từ lúc này, các cơ quan chức năng liên quan cần xây dựng quy hoạch đúng, đủ, có tầm nhìn và trên hết là nỗ lực giữ gìn quy hoạch đó, không để quy hoạch bị phá vỡ bởi tình trạng đầu cơ đất, kinh doanh bất động sản thiếu kiểm soát như 10 năm trước.

Hải Đăng